Kỷ niệm 30 năm giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Cảm nhận quê hương
8:35', 30/1/ 2005 (GMT+7)

. Tùy bút của Trần Hồ Hạ Uyên

Đã 30 năm rồi kể từ mùa xuân Đại thắng 1975. Trong mỗi đời người có thể có rất nhiều ký ức và ước vọng. Ký ức đọng mãi trong tôi là mùa xuân giải phóng quê hương năm 1975 ấy. Ước vọng cháy bỏng trong tôi là một sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Bình Định trong công cuộc đổi mới hiện nay. Quê hương ta 30 năm ngày ấy và bây giờ luôn truyền cho tôi lòng quyết tâm và những cảm nhận đầy xúc động, tự hào.

1.

 Một góc thành phố Quy Nhơn

Ngay sau Tết Nguyên đán 1975, tôi và rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp là những người làm công tác tuyên huấn, điện ảnh, nhà văn, nhà báo… từ chiến khu Khu V được phân công tỏa đi công tác ở các tỉnh. Tôi được về Bình Định. Trước khi đi, chúng tôi được quán triệt nghị quyết, chủ trương của Khu ủy về một mùa chiến dịch lớn bắt đầu. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng chưa có thể hiểu là tầm cỡ của mùa chiến dịch như thế nào! Một anh bạn vốn tốt nghiệp đại học tổng hợp sử nhưng giờ là một nhà báo đi cùng chúng tôi có vẻ lạc quan: "Từ sau sự trở mặt của Mỹ - ngụy đối với Hiệp định Paris 1973, chứng kiến những đoàn quân, xe pháo nườm nượp khắp các ngả đường trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam và sự chuẩn bị của các Khu ủy, quân khu, quân chủng và các tỉnh… nhất định chúng ta sẽ tạo được một bước ngoặt lịch sử". Đồng cảm với anh bạn, trên đường từ Quảng Ngãi vượt núi đèo qua Bình Định, tôi bỗng có cảm xúc dâng trào thành thơ: "Xe lên đỉnh dốc ửng vừng hồng/Ngoài xa kia biển vọng rì rầm/Tiếng biển hay tiếng lòng ta đó/Vẫy gọi Trường Sơn nâng ước mơ".

2.

Vậy là ước mơ giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương Bình Định khỏi ách chiếm đóng của quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai đã trở thành hiện thực ngay trong mùa xuân 1975 ấy. Tối 31-3 thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định đã hoàn toàn giải phóng. Sáng 1-4 chúng tôi cùng đoàn cán bộ của nhiều ban, ngành tỉnh Bình Định từ núi Bà, dùng thuyền máy vượt đầm Thị Nại vào tiếp quản Quy Nhơn. Mừng vui vô hạn. Hai mươi năm trước, mùa xuân 1955, khi còn là một cậu bé, tôi theo cha, từ Chợ Gồm (Cát Hanh - Phù Cát) lên xe ngựa vào Quy Nhơn đi tập kết ra Bắc. Vậy là đúng 20 năm tôi lại trở về với Quy Nhơn.

Đêm 1-4, ở Quy Nhơn trời mưa như xối nước. Ngồi trong một nhà dân ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ, vừa lật xem "chiến lợi phẩm" là quyển "Nước non Bình Định" của Quách Tấn tôi vừa chuẩn bị cho bài ghi nhanh viết về ngày giải phóng Quy Nhơn, giải phóng Bình Định. Trong bài viết này tôi nhớ có đoạn: "Mưa, hãy mưa thật to nữa đi để quét sạch những gì rác rưởi của chế độ cũ để lại cho thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định đón chào một ngày mới huy hoàng. Chúng ta tin rồi ngày mai đây từ một đô thị nhỏ bé, chỉ chuyên phục vụ chiến tranh, Quy Nhơn sẽ…". Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến Bác Hồ và lời Di chúc của Bác. Năm 1969 lúc Bác qua đời, ba tôi và tôi đã đến viếng và sau đó dự lễ truy điệu Người. Quảng trường Ba Đình hôm ấy, hàng ngàn, hàng vạn người và tôi đã khóc thương nhớ Bác trong cơn mưa rả rích của bầu trời Hà Nội. Và hàng ngàn, hàng vạn người cũng đã nêu cao quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh theo Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vẫn còn âm vang trong tôi lời Di chúc của Bác: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn… Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!". Nhớ đến lời Di chúc của Bác, bài viết của tôi những đoạn sau đó về ngày giải phóng Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định như có phần sinh động hơn, vừa dự báo vừa khẳng định tương lai phát triển của quê hương Bình Định trong niềm hứng khởi vô hạn.

3.

Đã 30 năm rồi tôi công tác và gắn bó với quê hương Bình Định. Trong 30 năm ấy tôi đã đi khắp các địa phương trong tỉnh, và với nhiều cương vị khác nhau tôi cũng được tham dự tất cả các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và nhiều cuộc họp quan trọng khác bàn về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Được tiếp xúc với nhiều người, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến người dân từ đồng bằng đến miền núi, tôi sáng ra nhiều điều. Có dịp chứng kiến, lắng nghe, thấu hiểu tôi như đo đếm được sự vươn lên mạnh mẽ từng năm, từng tháng, từng ngày của quê hương ta trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đó là thành quả của sự hòa quyện giữa Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN. Tôi nói vậy, nhưng không phải trong thời gian đó, trên bước đường đi lên, Bình Định không có những vấp váp. Nhưng đó là vấp váp của sự trưởng thành.

Tôi có cái "tật" đi công tác ra ngoài tỉnh là nhớ nôn nao đến quê nhà và ở bất kỳ đâu, lúc nào cũng hay "khoe" về Bình Định. Năm ngoái đi thăm Hàn Quốc theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này, có dịp là tôi lại giới thiệu về thành phố Quy Nhơn, về tỉnh Bình Định và miền Trung Việt Nam. Nhiều bạn bè Hàn Quốc và cả cô phiên dịch Choi Hana (có tên Việt Nam là Minh Hà) cũng hứa có dịp sẽ đến Bình Định. Ngồi trong căn hộ chung cư của cô Choi Hana ở thủ đô Seoul, tôi vào Báo Bình Định điện tử để cập nhật tình hình ở quê nhà (tháng 3-2004) có gì mới để lại "khoe" tiếp. Đi xa về, mỗi lần đến đèo Bình Đê, An Khê hay Cù Mông (giờ đi theo Quốc lộ 1D) hoặc đáp máy bay xuống sân bay Phù Cát là lòng tôi lại nôn nao và thấy mình được trở về với một thiên đường mà chẳng nơi nào có được.

Thành phố Quy Nhơn về đêm (ảnh: Hứa Thiện)

Vài năm gần đây, khách du lịch và bạn bè đến thăm Bình Định ngày càng nhiều. Cơ quan chúng tôi có thói quen là đưa khách của mình đến thăm Bảo tàng Quang Trung, khu công nghiệp Phú Tài và một vài nơi nào đó trong tỉnh. Khi về đến Quy Nhơn, sau bữa cơm tối là đưa bạn bè lên đỉnh dốc Quy Hòa trên Quốc lộ 1D. Từ đây mọi người có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố Quy Nhơn về đêm, vừa huyền ảo, vừa có dáng vóc hiện đại trong lung linh muôn ngọn đèn màu. Sau đó xổ dốc theo con đường cũ từ làng phong Quy Hòa về Quy Nhơn, lên thăm mộ Hàn Mặc Tử để bạn bè cảm được thơ Hàn và giới thiệu về một khu du lịch Ghềnh Ráng đang được triển khai. Ban ngày thì thường đưa khách lên con tàu nổi trên đầm Thị Nại để nhìn về Cảng Quy Nhơn sầm uất, hay thả hồn để nhớ về thời Tây Sơn với một đội chiến thuyền đã từng lướt trên mặt đầm này luyện tập để làm nên những trận bách chiến bách thắng. Nhưng tuyệt vời hơn là để giới thiệu với bạn bè thấy tận mắt một cây cầu vượt đầm thuộc loại dài nhất Việt Nam đang được xây dựng. Cầu này dẫn đến khu kinh tế Nhơn Hội sẽ hình thành nay mai- một khu kinh tế có tầm cỡ của đất nước không thua kém gì khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất…

Bạn bè ngoài Bắc vào, miền Đông, miền Tây Nam bộ ra nhiều người đã ngỡ ngàng về sự phát triển của một xứ sở mà trong trí tưởng tượng của họ chỉ là một vùng quê nghèo, oằn lưng gánh hai đầu đất nước. Và họ càng quý hơn đối với sự chào đón thịnh tình, nồng hậu của người Bình Định.

4.

Thế là đã 30 mùa xuân kể từ ngày quê hương giải phóng. Bước sang năm mới Ất Dậu - 2005 cho tôi được ước vọng.

Ước vọng gần: Mọi nhà, mọi người hưởng một cái Tết cổ truyền ấm cúng, vui tươi, hạnh phúc và phát đạt. Năm 2005 toàn tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra để kết thúc kế hoạch 5 năm 2001-2005 thành công và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Ước vọng xa: Trong vài ba năm tới hay xa hơn là một, hai kế hoạch 5 năm, với lợi thế đã được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đưa Bình Định vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Bình Định sẽ có những bước tiến vượt bậc. Để tạo được sự phát triển vượt bậc đó Bình Định vừa phải tận dụng triệt để nguồn lực bên ngoài vừa biết phát huy mạnh mẽ nguồn nội lực. Chúng ta không để "bị" các tỉnh, thành khác thách thức mà chúng ta phải biết chủ động thách thức- THÁCH THỨC BÌNH ĐỊNH. Thách thức để vượt lên chính mình. Thách thức chẳng chịu thua kém ai. Thách thức Bình Định trong thời gian không xa sẽ có sự phát triển về kinh tế - xã hội thuộc vào tốp đầu ở khu vực miền Trung cũng như của cả nước.

Bình Định quê hương ta có một quá khứ hào hùng, một hiện tại đang thăng hoa. Vậy thì ước vọng về một tương lai tốt đẹp nhất định sẽ được Đảng bộ và hơn một triệu năm trăm ngàn dân trong tỉnh thực hiện thành công. Chúng ta có quyền tin điều đó.

. T.H.H.U

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
30 mùa xuân sống trong thanh bình  (30/01/2005)
Mùa xuân trên bến cảng  (30/01/2005)
Bên bếp lửa dưới những mái nhà tình nghĩa  (30/01/2005)
Bình Định đất và người  (29/01/2005)
Cuộc hồi sinh của thảm xơ dừa  (29/01/2005)
Người "thắp lửa" đăng quang!  (29/01/2005)
Xây thương hiệu cho rượu Bầu Đá  (29/01/2005)
Hoạt động xuất khẩu: Trước vận hội mới  (29/01/2005)
Mưu sinh bên miệng tử thần  (29/01/2005)
Phút giao thừa chợt sáng  (29/01/2005)
Chiếc áo Tết  (29/01/2005)
Năm Gà nói chuyện tranh gà  (29/01/2005)
Những vồng vạn thọ  (29/01/2005)
Thơ xuân  (29/01/2005)
Cô giáo trẻ và niềm hạnh phúc "trồng người"  (29/01/2005)