Nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều biện pháp canh tác xen canh, luân canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, một số địa phương trong tỉnh bước đầu đã hình thành được những cánh đồng cho thu nhập cao, là tiền đề hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
* Những thành tựu bước đầu
|
Gặt lúa đêm trăng |
Trong cái lành lạnh của gió xuân, tôi đứng giữa cánh đồng rau Thuận Nghĩa, xã Bình Thành - Tây Sơn để được tận hưởng màu xanh đến dịu dàng của làng rau nổi tiếng của cả tỉnh này. Ông Nguyễn Phố, một người trồng rau ở đây tâm sự: "Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng, nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như hôm nay. Cũng từ 6 sào ruộng khoán trồng rau màu, nhưng thực hiện phương pháp canh tác xen canh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 30 triệu đồng, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Nhờ cây rau mà gia đình tôi đã có của ăn của để".
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại cây trồng phù hợp; sắp xếp mùa vụ hợp lý; áp dụng phương pháp canh tác xen canh, luân canh; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều năm qua Bình Định đã hình thành được những cánh đồng cho thu nhập cao, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn. Điển hình như mô hình trồng xen canh ớt - đậu phụng vụ ĐX và HT, bắp lai vụ thu đông được thực hiện trên diện tích 120 ha ở xã Cát Minh, Cát Tài (Phù Cát); Mỹ Cát, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài (Phù Mỹ) cho thu nhập 72 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi 51 triệu đồng. Cá biệt có mô hình trồng dưa hấu vụ ĐX, đậu nành vụ xuân- hè, dưa hấu vụ hè, bắp lai vụ 3 thực hiện ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) đã cho mức thu nhập 259 triệu đồng/ha/năm… Ngoài ra, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) cũng đã chuyển đổi trên 30 ha đất lúa kém hiệu quả, đưa cây hoa huệ vào trồng luân canh với một số loại cây trồng cạn như đậu phụng, đậu nành… cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Trò chuyện với chúng tôi về hiệu quả sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Thạch, một nông dân ở Cảnh An, xã Cát Tài-Phù Cát không giấu được niềm vui: "Cũng có bấy nhiêu ruộng đất, nhưng trước đây có ai dám nghĩ đến chuyện làm ra 50 triệu đồng/ha. Nay, một sào đất ở vùng này chí ít cũng phải cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng/năm! Riêng tôi, ngoài 1 mẫu lúa 3 vụ còn có 3 sào đất màu trồng đậu nành xen bắp, ớt…. Tính ra 1 sào cũng có thu 4 triệu đồng/năm".
* Để "mùa xuân" thực sự đến với nông dân
Có thể nói, bước đầu hình thành được những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm là sự nỗ lực của các địa phương, các ngành chức năng và nông dân trong tỉnh. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề người nông dân lo ngại nhất hiện nay là việc giải quyết đầu ra nông sản. Ngoài một số cây trồng như bông vải, lúa giống cấp 1… ở một số địa phương được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu theo tinh thần Nghị định 80, vẫn còn nhiều sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc phải bán giá rẻ. Với một số sản phẩm, khi mở rộng sản xuất thì lại bị khủng hoảng thừa…
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: "Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để chọn lọc các loại cây - con mới cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đất đai ở các địa phương, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân...".
Mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh cốt là để người nông dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Mục đích tốt đẹp này sẽ được trọn vẹn khi các mô hình điểm đã thành công được triển khai rộng rãi, có hiệu quả, và khi bà con nông dân không còn nỗi lo về đầu ra nông sản. Được như vậy, "mùa xuân" mới thực sự đến với người nông dân Bình Định.
. Phạm Tiến Sỹ |