So với những nhà máy thủy điện khác trong cả nước thì Vĩnh Sơn thuộc loại nhỏ (công suất 66 MW). Nhỏ, nhưng "bé hạt tiêu", Vĩnh Sơn giữ vai trò là chiếc van điều áp, cân đối nguồn, chống quá tải điện cho cả khu vực miền Trung. Và Vĩnh Sơn là nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam tiến hành cổ phần hóa.
|
Cán bộ Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn đang vận hành nhà máy |
Chúng tôi đến Thủy điện Vĩnh Sơn trong những ngày giáp Tết Ất Dậu, cũng là thời điểm nhà máy chuẩn bị công tác cổ phần hóa. Đứng trên tháp hồ A, cao hơn 600 m so với nhà máy, nhiệt độ đã xuống còn 110C lạnh buốt da, chúng tôi thấy toàn bộ khu vực nhà máy như là một dấu chấm nhỏ nằm giữa bạt ngàn núi rừng. Kỹ sư Trần Lê Cảnh, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, ví von: "Đó là một kho báu nằm giữa rừng sâu đấy". Kỹ sư Cảnh là một trong những người có trên 20 năm lăn lộn trong ngành thủy điện. Từ khi có Thủy điện Vĩnh Sơn, anh chỉ đón xuân ở nhà vỏn vẹn vài lần, còn thì đều đón Tết ở nhà máy với anh em. Cứ đúng chiều 30 Tết là anh có mặt ở nhà máy. "Lâu thành quen. Những lúc cảm thấy nhớ gia đình, anh em chúng tôi cứ "nhìn" dòng điện từ nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia thắp sáng cho mọi nhà, trong đó có gia đình mình, lại cảm thấy đỡ nhớ và tự hào".
Có lẽ, Tết thật sự của nhà máy là ngày nhà máy tổ chức tất niên với sự tham gia của bà con dân tộc thiểu số ở các làng kề cận, các chi đoàn kết nghĩa... Họ cùng nhau uống rượu cần và ca hát suốt đêm. Kỹ sư Trương Văn Đông, Bí thư Chi đoàn nhà máy khoe: "Nếu các anh lên đúng dịp nhà máy tất niên, không khí sẽ vui hơn ngày… Tết. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế thì đúng vậy bởi những ngày Tết là những ngày nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Cán bộ công nhân của nhà máy tập trung xử lý những tình huống gay cấn có thể xảy ra nên không ai dám nghĩ đến chuyện vui chơi trong dịp này. Vì thế với Thủy điện Vĩnh Sơn, anh em thường vui xuân sớm - ăn Tết muộn. Vui nhất là những món quà đơn sơ nhưng đầy ắp nghĩa tình như nải chuối, quả thơm, trái bắp... của đồng bào dân tộc Ba na sống gần nhà máy đem tặng. Mình thì mình thấy điện Vĩnh Sơn thắp sáng trong ánh mắt của những người Ba na anh em ở Vĩnh Sơn rất rõ". Tưởng như chuyện bình thường nhưng không phải vậy nếu biết rằng phải rất lâu sau khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoạt động, "vùng tối dưới chân đèn" mới được thắp sáng! Cả ở Thủy điện Thác Bà cũng vậy. Nhưng Vĩnh Sơn thì khác. Ngay khi nhà máy vừa hòm hòm công việc thì lập tức chuyện kéo lưới điện về các bản làng Vĩnh Sơn đã được tính đến. Sức nước chưa làm ra điện nhưng lưới điện thì đã về đến từng nhà một. Kỹ sư Dương Tấn Tưởng, Trưởng ca vận hành dự bị nhà máy, bộc bạch: "Dù mình mới lập gia đình chưa đầy một tháng nhưng mình nhất quyết sẽ đưa cả vợ lên đón Tết cùng với anh em ở nhà máy. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ mà. Cả anh cũng vậy, nếu có ở đây, đến lúc đó, anh cũng không muốn về xuôi. Trong những thời khắc đặc biệt như vậy, tôi có cảm giác như dòng điện đã hữu hình, chúng chạy từ nhà máy lên lưới và lan tỏa khắp mạch máu cơ thể năng lượng đất nước mình. Cảm giác đó tạo cho mình niềm hạnh phúc bất tận". Nghe chàng kỹ sư trẻ chia sẻ trong cảm hứng lãng mạn, bất giác tôi cũng đưa mắt dõi theo những cột thép cao ngất, tuyến đường dây chập chùng lấp lánh ánh bạc xa xa. Có lẽ đúng thế thật, hơi thở mùa xuân ở "vùng năng lượng" này dường như có cái gì khiến người ta trở nên sung mãn.
Đến với Thủy điện Vĩnh Sơn trong những ngày này, chúng tôi được chia sẻ cái không khí Tết sớm ở đây và sự đam mê của những người tạo ra dòng điện cho Tổ quốc.
. Nguyễn Phúc |