Điều dễ nhận thấy nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Định thời gian qua là công tác đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay cho các giống cũ bị thoái hóa; đồng thời cũng là biện pháp để giảm diện tích sản xuất lúa mà vẫn giữ ổn định lương thực. Thành công đáng kể nhất là việc đưa các giống lúa cấp một, lúa lai vào gieo sạ đại trà đã nâng cao năng suất lúa.
|
Một mô hình trồng dưa leo không sử dụng thuốc trừ sâu ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) |
Đến nay, tỉ lệ sử dụng giống cấp 1 trên đồng ruộng Bình Định chiếm trên 80% diện tích với mật độ gieo sạ bình quân 4 kg/sào, giảm gần gấp đôi lượng giống so với trước đây. Nhiều bộ giống mới như DV 108, Khang Dân 18, Uải 32, ML 48, ML 49, OM 1490… được đưa vào sản xuất đã đem lại năng suất trên 50tạ/ha.
Cùng với việc đưa giống tốt vào sản xuất, ngành Nông nghiệp phát động phong trào "3 giảm, 3 tăng" (giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận) nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra cho nhà nông. Áp dụng tiến bộ này nhiều địa phương đã đưa máy sạ lúa thẳng hàng vào gieo sạ thay cho phương pháp vãi bằng tay trước kia. Nhờ vậy, nông dân không những tiết kiệm được giống lúa mà còn thuận lợi trong khâu làm cỏ, chăm sóc, khử lẫn lúa tạp. Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cũng là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất giúp cho cây lúa phát triển mạnh. Với những kiến thức được tập huấn, người nông dân đã nhận thức được vấn đề sản xuất những nông sản sạch, hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong chăm sóc cây trồng, vừa bảo đảm được sức khỏe người tiêu dùng, vừa hạn chế được ô nhiễm môi trường…
Trong năm 2004, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, TTKN đã đầu tư 1,5 tỉ đồng thực hiện 5 chương trình khuyến nông quan trọng. Trong đó, đã xây dựng các mô hình thâm canh cao như: trồng mía trong túi bầu, có khả năng cho năng suất đạt 100 tấn/ha, cao trên gấp đôi so với năng suất mía hiện nay ở Bình Định; sản xuất giống bắp lai mới DEKLB 171 có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt, năng suất đạt từ 60-80tạ/ha; giống mì cao sản KM98-2, KM98-5, KM 140 cho năng suất đạt trên 40 tấn/ha, cao hơn từ gấp 2 đến 3 lần so với giống mì địa phương…
Với mục đích chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông ở cơ sở và nông dân để sản xuất có hiệu quả, thời gian qua, TTKN đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống cấp 1 và giống lúa lai Nhị ưu 838 tại một số địa phương miền núi, vùng cao ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão. Trong kinh tế vườn nhà, vườn đồi, lực lượng cán bộ khuyến nông cũng đã giúp nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế với các loại cây ăn quả như xoài, chôm chôm, nhãn… Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Trước đây, nhiều diện tích chỉ làm được một vụ lúa, nay bà con đã biết cải tạo đồng ruộng, điều tiết nước tưới để sản xuất 2-3 vụ ăn chắc. Năng suất lúa cũng được nâng lên đáng kể, từng bước xóa được nạn thiếu ăn giáp hạt".
Hiệu quả trong ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Bình Định đã có những tín hiệu đáng mừng. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu kết hợp với xây dựng cơ sở công nghiệp chế biến để tạo sự phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
. Nguyễn Hân |