Ba câu chuyện về ông Chủ tịch
9:53', 30/1/ 2005 (GMT+7)

Do quá bận bịu với công việc cuối cùng ông hẹn làm việc ở nhà riêng. Khi đến nhà lại thấy ông đang chăm chú đọc sách, phong thái rất là nhàn tản. Lấy việc đọc sách để thư giãn nay tuy đã ít người làm nhưng không phải là lạ. Nhưng giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng" cuối năm mà Chủ tịch UBND tỉnh lại ngồi đọc sách kể cũng hiếm. Không ngờ buổi làm việc như đã định vì chuyện đọc sách lại xoay sang hướng khác. Bắt đầu từ chuyện ông đọc sách nhưng không phải để thư giãn.

* Không chuyện nào đáng khen thưởng hơn chuyện học giỏi

Vỗ vỗ tay vào cuốn sách đang đọc (nhác trông, tôi đã nhận ra đó là cuốn Không có gì là thất bại - tất cả là thử thách - tự truyện của Chung Ju Yung - Chủ tịch tập đoàn Huyndai - Hàn Quốc), ông hỏi- "Nhà báo đọc cuốn này chưa? Tôi đã đọc qua trên báo Tuổi Trẻ nhưng vẫn muốn đọc lại. Cái ông này thật kỳ lạ. Tay trắng mà làm nên cơ đồ sự nghiệp tuy hiếm nhưng cũng nhiều người làm được, nhưng cái tinh thần dân tộc của ổng thì thật không dễ có. Mình đọc sách mà cứ ao ước quê hương mình có những con người, những doanh nhân dám nghĩ dám làm như ông Chung. Rồi ông hạ giọng - Rồi sẽ có, mình vẫn tin rằng cái gì thiên hạ làm được thì người Bình Định cũng đủ sức làm được. Không phải là duy ý chí đâu, chẳng phải vừa rồi có một sinh viên học tập, trưởng thành từ Bình Định, là người Bình Định vượt lên hàng ngàn sinh viên khác để giành danh hiệu Sinh viên xuất sắc nhất toàn Vương quốc Anh đó sao".

Phát triển đô thị xứng tầm với tiềm năng là vấn đề được Chủ tịch Vũ Hoàng Hà quan tâm

Tôi chen lời: "Thưa Chủ tịch, có phải vì thế, vì luôn tin vào tố chất tốt đẹp của thế hệ trẻ, của học sinh sinh viên Bình Định nên Chủ tịch rất quan tâm đến các cháu, nhất là những cháu nhà nghèo, khó khăn mà vẫn học giỏi... Nghe nói Chủ tịch hay thưởng nóng, tặng tiền cho các cháu đi học?". "Cũng có người góp ý như thế này, như thế kia về chuyện này đấy - ông tâm sự - Có thể cũng có người cho rằng tôi chơi trội nữa kia. Thật ra mình không thể cứ giúp trực tiếp cho tất cả mọi trường hợp được. Nhưng khi biết tin, hoặc gặp những cháu nhà nghèo học giỏi hoặc có thành tích xuất sắc vượt trội chẳng hạn, tự dưng tôi rất tự hào và muốn khen thưởng liền. Cái máu của mình nó thế, quê hương mình, nhân tài của mình mà không tự hào mới là chuyện lạ chứ. Nên tôi vẫn thường nói rằng - Không có chuyện nào đáng khen thưởng hơn chuyện học giỏi cả. Nghèo mà học giỏi lại còn đáng khen nhiều hơn".

Người ta hay nói - Bình Định có nhiều sinh viên học giỏi, nhưng khi tốt nghiệp các cháu đều tìm cách xin việc ở những thành phố mà không về quê, sao tỉnh không tìm cách chiêu mộ họ về để sử dụng. Trong một lần tiếp xúc với báo giới, ông liền đặt ngay câu hỏi: "Nếu những cháu sinh viên giỏi đó rủ nhau về (mà tôi tin rằng sẽ có ngày các cháu sẽ rủ nhau về thật đấy) thì các cháu làm gì? Phải thừa nhận với nhau rằng, hiện nay, Bình Định chưa phải là môi trường tốt nhất để các cháu về. Vậy thì tất cả chúng ta cùng phải nỗ lực để tạo ra môi trường tốt đó. Tôi nghĩ, dù ở đâu làm gì, thì người Bình Định vẫn rất giàu tình cảm với quê hương. Còn hiện tại, nhân tài Bình Định sẽ giúp quê hương từ vị trí mà họ làm việc".

* Dân kêu thì đến ông... Trời cũng phải tới

Năm 2004 vừa qua là một năm mà Chủ tịch Vũ Hoàng Hà phải xuống tận hiện trường để xử lý các vụ khiếu nại khá nhiều. Nhân lúc ông đang vui, tôi hỏi - Khi bị dân réo tên, kêu anh phải xuống hiện trường, có khi nào anh bực bội không? Có lẽ cũng vì đang vui nên ông bật cười - Bực cái gì! Dân kêu thì ông… Trời cũng phải tới huống chi ông chủ tịch.

Chuyện Chủ tịch tỉnh nghiêm túc nhận lỗi vì đã để cấp dưới chậm chạp trong việc di dời Nhà máy sản xuất cồn ở phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn) khiến nhiều người dân rất… phấn khởi. Chính họ đã nghiệm ra rằng, trong mấy chục tỉnh thành ở nước ta, đã có mấy Chủ tịch dám công khai nhận lỗi trước dân. Khiếu nại thì khiếu nại nhưng phấn khởi vẫn phấn khởi nên bà con yên tâm ra về. Khi nghe dân khiếu nại chuyện trồng rừng ngập mặn ở Phước Sơn - Tuy Phước làm ảnh hưởng đến sinh kế của bà con, đích thân Chủ tịch đã lên gặp dân. Lên đến nơi, Chủ tịch ra ngay hiện trường để thị sát. Có cán bộ huyện nói- Để kêu bà con lại cho anh nói chuyện, ra đó làm gì. Chủ tịch lắc đầu - Đồng bào cần gặp mình, mà mình cũng cần gặp đồng bào. Lên đây là để gặp bà con, để nghe bà con nói và nói cho bà con thông. Để dân phải tìm đến mà kêu thì... nói làm gì nữa. Chính nhờ đi sát với dân như thế nên ông hiểu rất rõ về chuyện nuôi bò sữa đang khó ra sao, chuyện cây dứa còi cọc là vì đâu… Ông tâm sự: "Sở dĩ bà con khiếu nại tập thể như vậy là vì: Một số cán bộ làm sai mà lại giấu cấp trên nên bà con bức xúc. Thứ hai trong những chuyện tương tự, còn do bà con chưa hiểu đến nơi đến chốn chính sách của Nhà nước. Bà con không hiểu nên có làm sai thì đó là do cán bộ mình chưa làm tròn trách nhiệm, chưa quán triệt trước. Vì thế không nên thành kiến, cho bà con là "làm reo" bởi dân mình phần lớn là những người tốt. Người dân Tuy Phước phá dự án trồng rừng ngập mặn tại Cồn Chim là do dự án chưa chuẩn, nếu dự án được điều chỉnh, ngành Thủy sản triển khai nghiêm túc (tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh và phê duyệt lại rồi) và bà con thấy tận mắt hiệu quả của việc trồng rừng ở Nhơn Bình chắc chắn họ sẽ hùa nhau làm ăn theo mình liền. Dân có thể chưa tin "xây dựng siêu thị là tốt, nhưng nên thuyết phục vì xây là đúng. Nay Trung tâm Thương mại, siêu thị hoạt động tốt, tự nhiên những lời đàm tiếu tỉnh "bán đất", hoặc "xây như những lô cốt" tự dưng biến mất. Biến mất tức là dân đã tin mình nhiều hơn đấy. Niềm tin, nhất là tin vào những cái mới, cái đột phá phải được tích lũy từ từ. Tuy nhiên, nói thế không phải lúc nào cũng chiều theo ý của họ. Bởi một số trường hợp cũng có nhiều người rất quá đáng, nên làm cái gì mình cũng căn theo pháp luật để điều chỉnh".

* Làm ăn ít thì... thôi

Trong khi cả nước đua nhau "trải thảm đỏ" thu hút các nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư trong nước, thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lại làm một chuyện khá là ngược đời. Chuyện rằng, có một doanh nhân cũng là chỗ quen biết đề nghị cấp đất để triển khai dự án du lịch, nghe trình bày xong ông khuyên - Thôi, "mày" kiếm cái khác làm đi, cái "mày" cần vốn lớn lắm, "mày" chỉ có năm, ba chục tỉ nói chuyện sao được… Mà không phải một lần ông nói như vậy. Hỏi ông sao lại có thể ứng xử với nhà đầu tư như vậy, ông lại cười: "Tất nhiên chủ đầu tư là người mình quen, vả lại còn ít tuổi hơn mình nên mới nói. Nói vậy mà nó chịu bỏ thêm tiền vào làm mới hay chớ! Mình lựa dự án mà nói, lựa cả chủ đầu tư để thuyết phục. Có người mình thuyết phục kiểu này nhưng cũng có kiểu khác. Đất cát, tiềm năng của mình đâu phải vô hạn để dễ dàng vãi ra ào ào".

Bình Định chưa phải là một tỉnh có môi trường, vị thế đầu tư tốt nhất. Nhưng sau nhiều năm nỗ lực xây dựng môi trường, điều kiện đầu tư ví như: đường Quy Nhơn - Sông Cầu, các thiết chế, cơ sở hạ tầng khá hoàn hảo về đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước hoàn chỉnh, vận động nâng cấp cảng Quy Nhơn… quả thật Bình Định đã bắt đầu có quyền lựa chọn đối tác đầu tư.

Trong một phiên làm việc với các nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh ra tìm hiểu cơ hội đầu tư, ông đã thật sự làm nhiều doanh nhân sửng sốt với tuyên bố - "Trừ các trụ sở chính ra thì tôi không dám, còn lại chỗ nào các anh muốn lấy để làm cơ sở đầu tư cũng được, miễn là sự đầu tư và lợi ích của anh cho Bình Định phải tương xứng". Có doanh nhân hỏi đùa - Cả trụ sở UBND tỉnh chứ?. "Đúng, kể cả trụ sở UBND tỉnh, nếu có dự án tương xứng. Bởi nếu không xứng tầm, tỉnh biết ăn nói với dân ra sao?" - Ông đáp chắc nịch. Tôi nhớ khi ấy cả hội nghị đã lặng ngắt trước ồ lên phấn khởi. Sau tuyên bố này, hàng loạt dự án đã được triển khai và Sở Y tế là đơn vị đầu tiên nhường trụ sở cho một dự án khách sạn.

* Ngoại truyện

Cuối buổi trò chuyện (quả thật đây là một cuộc trò chuyện bởi những dự định ban đầu đã… phá sản vì chúng tôi đã bị cuốn hút bởi cách tâm sự cởi mở của ông), ông gút - Nhiều người vẫn nói trong công việc không nên xưng hô là anh Hai, anh Ba, nhưng đây là ở nhà riêng, từ nãy giờ cũng không thật sự chỉ là chuyện công việc, nên anh Năm (lúc thân mật chúng tôi cũng như nhiều người vẫn gọi ông là anh Năm) nói thế này - Thật ra, khi mình hoàn thành nhiệm vụ Đảng - nhân dân giao trong đó có công sức tập thể rất lớn; mình là cái anh quản lý, điều hành để mọi việc thông đồng bén giọt thôi. Nên, thứ nhất -những chuyện anh làm là chuyện phải làm. Thứ hai - báo Tết năm ngoái đăng 2-3 cái ảnh của anh chưa phải là chuyện hay đâu. Thôi, năm nay đừng làm như vậy nữa. Anh lên báo, lên ti vi cả năm, đến Tết lại lên nữa... không ngon, hử!".

Lại nhân lúc anh vui, tôi hỏi: "Thưa anh, hỏi khí không phải, làm Chủ tịch có sướng không?" - Có chứ sao không "mày"! Ông cười vui vẻ. Lúc làm việc thì mệt nhưng khi hoàn thành trách nhiệm, được dân tin, rồi khen, thì cũng vui, cũng sướng quá đi chứ. Những lúc đi làm về ngang qua bãi cỏ dọc đường Nguyễn Tất Thành, thấy trẻ con, người lớn vui đùa, thả diều nhộn nhịp- mình vui. Thành phố mình tuy nhỏ nhưng có nhiều công viên, cây xanh- mình thấy cũng hay. Nghe tin cảng Quy Nhơn vượt qua cảng Đà Nẵng về tỉ lệ tăng trưởng - mình tự hào chớ. Người ta xây chung cư cao tầng hiện đại mình cũng phấn đấu làm vài cái. Hoặc như biết Bidiphar là nhà cung cấp dịch truyền, kháng sinh đông khô lớn nhất Việt Nam… Mình là dân Bình Định, thấy - nghe mấy chuyện đó không vui sao được.

Năm ngoái, một vài anh em ở văn phòng UBND nói "Báo Xuân mà viết như mày là... nịnh Chủ tịch, là khen phò mã tốt áo"... Năm nay, xem chừng việc khen còn nhiều hơn năm ngoái nữa, chí ít thể nào cũng bị chọc quê. Nhưng tôi lại nghĩ - Thì khen, thì nịnh... Nếu khen, nếu nịnh mà Chủ tịch giúp được học sinh nghèo nhiều hơn, báo chí góp một tay giúp dân mình nhiều hơn thì cái thằng tôi sẵn sàng khen, sẵn sàng nịnh. Chẳng việc gì mà ngại!

. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân cuối cùng của Bác  (30/01/2005)
Phố mé Sơn Triều  (30/01/2005)
Bình Định tăng trưởng - phát triển  (30/01/2005)
Con bò là đầu cơ nghiệp  (30/01/2005)
Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác: Hiệu quả từ thực tế  (30/01/2005)
Sức bật mới của Thủy điện Vĩnh Sơn  (30/01/2005)
Gieo mơ ước trên những cánh đồng vàng  (30/01/2005)
Cảm nhận quê hương  (30/01/2005)
30 mùa xuân sống trong thanh bình  (30/01/2005)
Mùa xuân trên bến cảng  (30/01/2005)
Bên bếp lửa dưới những mái nhà tình nghĩa  (30/01/2005)
Bình Định đất và người  (29/01/2005)
Cuộc hồi sinh của thảm xơ dừa  (29/01/2005)
Người "thắp lửa" đăng quang!  (29/01/2005)
Xây thương hiệu cho rượu Bầu Đá  (29/01/2005)