Tuổi Kỷ Sửu, năm nay ông Trịnh Hồng Kỳ đã 92 tuổi, và có lẽ ông là nhà cách mạng lão thành cao tuổi nhất ở Bình Định còn sống để chứng kiến ngày lễ trọng: Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam… Mắt đã mờ, tai đã điếc nặng nhưng cứ nhắc đến cái thời trai trẻ làm cách mạng, mắt ông lại ánh lên và những câu chuyện về một thời "gươm kề tận cổ súng kề tai" lại cứ nối đuôi nhau.
* Ông xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản, cha ông là một trí thức, bản thân ông cũng từng theo học trường Tây, vậy con đường nào đã dẫn ông đến với cách mạng?
- Năm 1926, tôi học lớp cuối cấp một (Coars Supérieur) tại trường Pháp - Việt Bồng Sơn. Tại đây, do tham gia bãi khóa, chống lại sự đối xử bất công trong trường học theo đường hướng của cụ Phan Chu Trinh, tôi bị đuổi học. Trở về nhà tôi mở trường tư dạy chữ Quốc ngữ và theo học nghề thuốc Bắc, học chữ Hán - Nôm. Chính thời gian này tôi có nhiều điều kiện giao du với bạn bè, tiếp cận với sách báo Quốc ngữ và được đọc cuốn Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc. Tôi tự giác đi theo đường hướng này và được giới thiệu vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội năm 1927; đến năm 1930 thì được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Được kết nạp Đảng năm 1930 đến năm 1931 ông lại bị kết án tù, hẳn ông vẫn còn nhớ những năm tháng hoạt động sôi nổi đó?
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và chúc sức khỏe nhà cách mạng lão thành Trịnh Hồng Kỳ |
- Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời. Năm 1931, tôi bị bắt trong lúc làm nhiệm vụ và bị kết án tù 3 năm rưỡi. Trong tù tôi lại tiếp tục đấu tranh chính trị, vận động anh em, đồng chí giữ vững khí tiết của người cách mạng. Khi đồng chí Lê Khâm bị nhà tù sát hại, chúng tôi đã cùng nhau tuyệt thực phản đối nên tôi bị tăng án thêm 1 năm rưỡi nữa. Năm 1936 tôi được ra tù nhưng vẫn bị quản thúc tại địa phương. Dù vậy tôi vẫn tìm lại cơ sở Đảng, tìm những đồng chí cũ nhưng phần lớn đã bị địch bắt tù đày. Còn lại một ít anh em, chúng tôi tập hợp lại và tích cực hoạt động chờ thời cơ. Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1954 là giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi nhất của tôi. Tôi được phân công đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Ủy viên Ban cán sự Việt Minh tỉnh Bình Định phụ trách Ban vận động cứu quốc phủ Hoài Nhơn, đổi thành phủ Huỳnh Lịch (bí danh là phủ Ái); Trưởng phòng Chính trị Ty Công an Bình Định; Chính trị viên Tiểu đoàn Cảnh vệ; Ủy viên Ủy ban Liên Việt tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt phủ Hoài Nhơn và làm Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn trước khi tập kết ra Bắc…
* Những lúc cùng cực nhất ông vẫn tin rằng rồi cách mạng sẽ thành công và bản thân ông sẽ được sung sướng?
- Khi dấn thân đi làm cách mạng cũng như cả những lúc bị tù đày gian khổ, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng làm cách mạng là để tìm sự sung sướng cho bản thân mình. Tôi có niềm tin rằng cách mạng sẽ thành công nhưng có thể sẽ phải đấu tranh lâu dài, gian khổ nhiều. Tôi cũng xác định rằng có thể cả đời mình còn phải tù đày nhưng phải làm cách mạng là để thành quả cho đời sau.
* Ông đang có một gia đình hạnh phúc. Ngay cả những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ nhất ông vẫn lo được cho mình cái tổ ấm, có phải nhờ ông khéo sắp xếp?
- Đâu có, vợ tôi bây giờ là do mẹ tôi và tổ chức chọn cho tôi đấy chớ. Thời trai trẻ, tôi là con nhà tử tế lại được học hành nên có nhiều người muốn gả con gái. Tôi lấy vợ nhưng sau thời gian hoạt động cách mạng bị tù đày, vợ tôi ở nhà cũng bị bắt bớ, tra khảo rồi bị đau bệnh mà chết lúc tôi còn ở trong tù. Sau khi ra tù, tôi mải miết đi làm cách mạng có còn nghĩ gì đến chuyện vợ con đâu. Mỗi lần tôi ghé thăm nhà, mẹ tôi cứ khóc lóc, sầu thảm giục tôi phải cưới vợ để có cháu. Một lần tôi nói đại với mẹ: "Thì mẹ cứ chọn đi, mẹ ưng ai thì con lấy người ấy". Và rồi mẹ tôi đã chọn vợ cho tôi thật. Năm 1947 khi tôi làm Trưởng phòng Chính trị của Ty Công an và đang bận công tác ở Bình Khê thì anh em trong Ty bảo tôi về để tổ chức cưới. Thì ra sau khi mẹ tôi chọn người, anh em trong cơ quan đã bí mật xác minh lý lịch cô Huỳnh Thị Triều ở cửa biển Tam Quan và quyết định lo tổ chức cho tôi. Nói thật là trước đó mẹ tôi cũng đã bố trí cho tôi gặp cô Triều, tôi chỉ mới biết mặt và biết cô là con nhà danh giá nhưng đang nghèo khổ phải lo buôn bán ngược xuôi vậy thôi…
Năm 1955 gia đình tôi tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng. Giờ đây sáng sáng người dân TP Quy Nhơn vẫn thường thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, trong bộ đồ lụa ngồi trên chiếc xe tự đẩy. Ông đi vòng từ nhà mình qua đường Phạm Hùng lên đường An Dương Vương rồi quay về nhà tiếp tục những bài thái cực quyền quen thuộc…
* Khi hoạt động cách mạng, bị tù đày ông chỉ nghĩ làm cách mạng là cho đời sau nhưng chính cuộc đời ông cũng đã được hưởng thành quả mà cách mạng mang lại, ông có thấy mình đang rất hạnh phúc không?
- Tôi rất thỏa mãn với những gì mà cuộc đời mình đã trải qua. Tôi dấn thân cho cách mạng với niềm hy vọng để lại thành quả cho đời con cháu; nhưng ngay trong cuộc đời mình, tôi đã nhìn thấy những thành quả to lớn mà cách mạng đã mang lại cho đất nước, cho dân tộc. Đi theo Đảng làm cách mạng, tôi lại được tiếng là "người cách mạng có đạo đức". Ngay cả thời kỳ đầu đấu tranh với bọn phú hào, tôi vẫn luôn dùng "đức" để cư xử. Nói như thế này để anh có thể hình dung niềm hạnh phúc của tôi lớn như thế nào. Nếu như trong đạo Phật có khái niệm "tu thành chánh quả" thì chính tôi bây giờ đây đi theo cách mạng một đời và cũng đã "thành chánh quả"!
. Quang Khanh - Ngọc Diên |