Ngày 17-11, Quốc hội đã thông qua với đa số phiếu (83%) dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi) trong đó quy định rõ hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể và hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân.
Luật hợp tác xã (sửa đổi) gồm 10 chương, 52 điều sẽ thay thế Luật hợp tác xã đã được ban hành năm 1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004. Theo Luật sửa đổi, Nhà nước ban hành và thực hiện các chính sách, các chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã về đào tạo cán bộ; phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; áp dụng khoa học-công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường.
Đối với hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển trong từng thời kỳ.
Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật hợp tác xã đã có tác động tích cực đến sự phát triển của hợp tác xã, ngăn chặn được tình trạng hợp tác xã tan rã, từng bước lấy lại uy tín và vai trò đối với xã viên và người lao động tham gia. Số lượng hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân là trên 14.000, giảm hơn 2.000 hợp tác xã so với trước khi có Luật (những cơ sở này yếu kém, không thể phát triển theo Luật).
Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật hợp tác xã 1996 cho thấy một số hạn chế về nội dung quản lý nhà nước đối với sự phát triển hợp tác xã, đối tượng tham gia, thủ tục đăng ký kinh doanh... Những hạn chế này đã được khắc phục trong Luật hợp tác xã (sửa đổi) vừa được thông qua.
. TTXVN
|