Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét đưa thuyết "Ba đại diện" vào Hiến pháp nước này cùng với một điều khoản bổ sung về bảo vệ quyền sở hữu tư nhân hợp pháp.
Theo ông Vương Triệu Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban thường trực Quốc vụ viện, đề xuất sửa đổi hiến pháp năm 1982 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), ngày 22-12, đã được đem ra thảo luận với Ủy ban thường trực Quốc vụ viện (NPC), cơ quan lập pháp cao nhất của nước này. Theo đó, thuyết "Ba Đại diện" sẽ trở thành nguyên tắc chỉ đạo quốc gia, phát triển hơn nữa chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Học thuyết Đặng Tiểu Bình.
Nội dung cụ thể của thuyết "Ba đại diện" quy định: Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đại diện cho các lực lượng sản xuất tiên phong, các lực lượng văn hóa tiên tiến nhất và đại diện cho những lợi ích rộng lớn nhất của khối đại đa số. Điều này cũng có nghĩa, tầng lớp tư bản có thể tham gia Đảng Cộng sản.
Cũng trong cuộc thảo luận này, lần đầu tiên kể từ năm 1949, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất bổ sung vào hiến pháp điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu tư nhân. Về cơ bản, những người đứng đầu NPC đều nhất trí coi quyền sở hữu tư nhân là nhân tố chính thúc đẩy công cuộc cải tổ nền kinh tế, giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo.
Điều khoản bổ sung về quyền sở hữu nói rằng: "Quyền sở hữu tư nhân hợp pháp sẽ không bị vi phạm. Nó sẽ được đặt ngang hàng với quyền sở hữu công cộng".
Trên thực tế, mặc dù Hiến pháp Trung Quốc chưa có quy định chính thức về việc bảo vệ quyền sở hữu, hàng triệu người dân Trung Quốc đã đổ xô vào thành lập doanh nghiệp, mua nhà, mua cổ phiếu do các công ty nhà nước phát hành. Người ta hy vọng, điều khoản bổ sung này sẽ "mở màn" cho một loạt sửa đổi về luật pháp khác, tạo thuận lợi cho việc buôn bán bất động sản và các tài sản liên quan tới sở hữu tư nhân khác.
. VietNamNet |