|
Việt Nam sẽ chi tới 1,5 triệu USD cho vụ kiện. |
4h sáng 31-12 (tức 4h chiều 30-12, giờ Washington), ngư dân Mỹ sẽ nộp đơn kiện tới Ủy ban Hiệp thương Quốc tế (USITC) và Bộ Thương mại nước này (DOC), chính thức tháo ngòi cuộc chiến thương mại với hơn 10 nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới.
Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với vụ khiếu kiện tôm và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã tiến hành hơn 10 cuộc tập huấn cho các doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến vụ kiện tôm.
Ngày 29-12, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VASEP cho biết Hiệp hội đã tìm lý lẽ xác đáng chứng minh phía VN hoàn toàn không bán phá giá.
"Chúng tôi cũng đã thảo luận làm việc với nhiều Công ty luật nổi tiếng của nước ngoài, trong đó có cả White & Case, và đang đi đến thống nhất lựa chọn một công ty luật phù hợp để đối phó lại vụ kiện," ông Dũng nói. "Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một khoản tiền khoảng 1,2-1,5 triệu USD để chi phí cho vụ kiện tôm."
Trong vụ kiện cá tra, basa, chỉ duy nhất VN bị khởi kiện và VN bị kết luận là có nền kinh tế phi thị trường nên gặp nhiều bất lợi.
Còn trong vụ này, Liên minh đánh bắt tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) và Hiệp hội tôm Lousiana (LSA) sẽ khởi kiện các nước xuất khẩu tôm nhiều như Thái Lan, Trung Quốc, VN, Ấn Độ, Indonesia, trong đó có nhiều nước có nền kinh tế được coi là thị trường nên VN có thuận lợi là có thể lựa chọn nước thứ 3 để có mức giá phù hợp.
Ông Dũng thừa nhận nếu VN, cùng với một số nước khác, bị thua trong vụ kiện tôm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi vì tôm là sản phẩm mà nhiều nước sản xuất được.
Các biện pháp bảo hộ của phía Mỹ - nếu được thông qua - sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của VN nhưng ông Dũng khẳng định về lâu dài đây không phải là cứu cánh cho ngành sản xuất tôm của nước này.
. VnExpress |