Thời gian gần đây, trên thị trường tân dược cả nước, đặc biệt là tại thị trường phía nam, giá các loại thuốc đã tăng đột biến, có nhiều chủng loại thuốc giá đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tuần qua.
Nhiều nhà quản lý dược Việt Nam cho rằng giá thuốc tăng có nguyên nhân chủ yếu từ việc tăng giá các nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Trần Công Kỷ, Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo Lao Động ngày 10/3 cho biết, từ cuối năm 2002, giá nguyên liệu thuốc đã bắt đầu tăng. Cụ thể, giá nguyên liệu Vitamin C mua từ Trung Quốc tăng từ 2,7 USD/kg lên 2,9 USD/kg và lên đến 15 USD/kg vào đầu tháng 3. Riêng thị trường Nhật Bản, không có nguyên liệu Vitamin C để bán. Nguyên liệu thuốc cảm Paracetamol cũng tăng từ 1,78 USD lên 2,2 USD/kg. Một số nguyên liệu kháng sinh cũng bắt đầu tăng giá. Lý do thứ hai là do các mặt hàng thuốc nhập khẩu từ châu Âu do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, phí vận chuyển, giá USD, giá đồng EUR nên đều tăng giá từ 10 đến 20%
Ông Kỷ nhận xét đây là đợt tăng giá thuốc đặc biệt nhất trong vài năm trở lại đây. Khi giá nguyên liệu mới bắt đầu tăng nhẹ, nhiều nhà sản xuất thuốc đã cho rằng giá nguyên liệu thuốc chỉ tăng tạm thời, sau đó sẽ ổn định nên đã không mua dự trữ. Do vậy, với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh giá bán tại thị trường trong nước. Một lọ Vitamin C 100 viên trước đây được bán với giá 11.000 đồng, nay phải bán tới 22.000 đ.
Về câu hỏi, liệu giá thuốc có tiếp tục tăng hay không, ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược phẩm Việt Nam khẳng định giá thuốc còn có thể tiếp tục tăng. Ngoài lý do giá nguyên liệu sản xuất tăng, dự báo này còn xuất phát từ chủ trương của Bộ Y tế sẽ cổ phần hóa toàn bộ các xí nghiệp dược. Khi cổ phần, các doanh nghiệp dược sẽ phải chịu sức ép về lợi nhuận, điều đó có thể tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Hiện nay, đã có 65 trong tổng số 110 xí nghiệp dược phẩm được cổ phần hóa. Các xí nghiệp còn lại phải thực hiện cổ phần hóa trong vòng 3 năm tới.
Giá thuốc biến động nhiều nhất tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều những nhà sản xuất kinh doanh dược của cả nước. Khu vực phía Bắc, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm còn ít, nên chưa chịu tác động nhiều của việc tăng giá. Tại thị trường Hà Nội, giá thuốc cũng đã tăng, nhưng mức tăng thấp hơn.
. TTXVN |