Ngày 10/3, phát biểu tại cuộc họp báo ở Câu lạc bộ các nhà báo Liên hợp quốc (UNCA), các cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ ở LHQ đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách của chính quyền Bush trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Irắc hiện nay.
Cựu Phó đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ William Heuvel, hiện là chủ tịch Viện Franklin và Eleanor Roosevelt, nói mục tiêu của Mỹ ở Irắc hiện nay vượt ra ngoài khuôn khổ của vấn đề giải trừ vũ khí hủy diệt. Ông cho rằng mục tiêu thật của chính quyền Bush thậm chí còn vượt ra ngoài khuôn khổ của việc "thay đổi chế độ" ở Irắc nữa. Theo ông, chính Al Qaeda mới là kẻ thù nguy hiểm của Mỹ, còn chính quyền của Tổng thống Irắc Saddam Hussein hiện nay không phải và không đủ khả năng trở thành mối đe dọa tức thì đối với an ninh của Mỹ. Cách tiếp cận và xử lý cuộc khủng hoảng Irắc hiện nay của chính quyền Bush đang có nguy cơ làm sao nhãng mục tiêu an ninh hàng đầu của Mỹ.
Đại sứ James Leonard, cựu Phó đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ và hiện là giám đốc điều hành của Hội đồng chống phổ biến vũ khí ở Oasinhtơn, cho rằng cuộc khủng hoảng Irắc hiện nay vẫn còn có thể được giải quyết bằng phương pháp hòa bình trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều này các nước thành viên HĐBA cần có tiếng nói thống nhất và phải đưa ra một thông điệp rõ ràng đòi Tổng thống Saddam phải nghiêm chỉnh giải trừ vũ khí.
Đại sứ Robert Grey, cựu đại diện của Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị và cựu tham tán chính trị của Phái đoàn đại diện Mỹ tại LHQ, hiện là giám đốc của Viện An ninh toàn cầu, cho rằng hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để Mỹ phát động cuộc chiến tranh chống Irắc. Nếu cuộc chiến tranh mà Mỹ và Anh chuẩn bị phát động không được HĐBA cho phép thì hành động này của chính quyền Bush có thể phá vỡ hệ thống quốc tế và vi phạm những nguyên tắc vốn đã gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế trong suốt nửa thế kỷ qua.
Các diễn giả cho rằng chính sách đơn phương của chính quyền Bush đang làm giảm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang theo đuổi. Chính sách này cũng làm giảm khả năng tập hợp sự thống nhất cộng đồng quốc tế để thực hiện những mục tiêu chung, như chống đói nghèo và bảo vệ môi trường.
. TTXVN |