Tượng bốn danh nhân có công sáng lập Văn Miếu-Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục nho học ở Việt Nam là Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông và Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám Chu Văn An sẽ được dựng tại văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Các bức tượng này được đúc bằng đồng do các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng của Hà Nội thực hiện từ ngày 11/3, tại Hà Nội. Các pho tượng của Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông cao 1,4 m, nặng hơn 1 tấn; tượng Chu Văn An cao 2,3 m, nặng hơn 3 tấn. Theo kế hoạch, sau một tháng những bức tượng này sẽ được hoàn thành.
Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) tức Lý Nhật Tôn lên ngôi Vua lúc 31 tuổi. Để khích lệ sĩ phu, kén chọn nhân tài, ông là người đầu tiên cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 làm nơi thờ các thánh hiền đạo nho. Ông cũng là người mở khoa thi bác học đầu tiên.
Vua Lý Nhân Tông (1066-1127) tức Lý Càn Đức, con trưởng của Vua Lý Thánh Tông, lên ngôi Vua lúc mới 6 tuổi. Ông đã có công sáng lập Quốc Tử Giám năm 1076 kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.
Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) lên làm Vua Năm 18 tuổi đã để lại một sự nghiệp rực rỡ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Ông được coi là gương mặt tiêu biểu của nền văn hoá, văn học Thăng Long thế kỷ XV. Ông là người có công xây dựng điện Đại Thành và bia Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 1484.
Tư nghiệpQuốc Tử Giám Chu Văn An (1292-1370) tức Chu An. Ông đỗ thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học, học trò của ông cũng có nhiều người đỗ đạt cao. Ông được Vua Trần Minh Tông mời ra giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi Vua đã mời ông ra làm quan nhưng ông khước từ. Ông mất năm 1370 và được thờ ở Văn Miếu./.
. TTXVN |