Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa thông tin về "Bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể", những năm qua Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức sưu tầm, lưu giữ và bảo quản nhiều tư liệu, hiện vật cổ có giá trị, đặc biệt là sách Thái cổ. Đến nay, bảo tàng đã sưu tầm được trên 700 cuốn sách Thái cổ với nhiều kích thước khác nhau được viết bằng bút lông với mực tàu đen trên nền giấy bản, giấy dó, vỏ cây, vải và đóng bìa bằng vỏ cây, da bò...
Toàn bộ số sách được sưu tầm chia thành 3 thể loại chính Sách văn học nghệ thuật có 411 cuốn với gần 80 tên sách gồm chuyện kể, trường ca, ca dao, tục ngữ... các cuốn sách phản ánh tình yêu lứa đôi, khuyên làm điều lành tránh điều ác và những câu thơ, lời hát giao duyên, hát mừng hạnh phúc, hát đối... Sách lịch sử có 82 cuốn với 23 tên sách ghi lại quá trình lịch sử thiên di của người Thái, lịch sử của các bản mường qua từng giai đoạn, các chiến công và đóng góp của người Thái trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ dân tộc, gia phả các dòng họ lớn... Ngoài sách văn học, lịch sử, Bảo tàng Sơn La còn sưu tầm được 182 cuốn sách có nội dung là các bài cúng giỗ tổ tiên, cúng hồn, cúng thổ thần, cúng bến nước, cúng cầu mưa... Nhiều cuốn sách còn hướng dẫn xem ngày, giờ, tháng, năm để biết điềm lành, điềm dữ, ngày tốt để dựng nhà, hỏi vợ, gả chồng và một số cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm bùa chài và cách giải bùa chài. Ngoài ra, Bảo tàng Sơn La còn sưu tầm được hơn 30 cuốn sách ghi lại luật mường, lệ bản, kinh nghiệm sản xuất, những bài thuốc dân gian, cách hướng dẫn cách làm tên độc, thuốc súng, làm chông lao, hào trượt để săn bắt thú rừng.
Hiện nay, Bảo tàng Sơn La đang tiếp tục sưu tầm những cuốn sách Thái cổ nhất là ở những bản làng nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và tìm những người am hiểu chữ Thái cổ để dịch thuật. Ngoài ra, Bảo tàng Sơn La cũng đang tìm cách để kéo dài tuổi thọ những cuốn sách Thái cổ vì điều kiện cơ sở vật chất để bảo tồn sách cổ của bảo tàng còn nhiều hạn chế.
. TTXVN |