|
Xe tăng của Anh đang tiến đang tiến gần vào Iraq (ảnh VietNamNet) |
Tổng thống Mỹ George W Bush đã ra lệnh cho Tổng thổng Iraq Saddam Hussein và các con trai phải rời đất nước trong vòng 48 giờ nếu không sẽ phải đương đầu với chiến tranh. Trong bài phát biểu kéo dài 13 phút trên truyền hình lúc 1 giờ GMT sáng 18/3, ông Bush nói đã đến lúc phải chấm dứt "hàng thập kỷ lừa dối và tàn bạo" ở Iraq.
Trong khi đó, Tổng thống Iraq Saddam Hussein tuyên bố với các tướng lĩnh quân sự Iraq rằng nếu bị tấn công, Iraq sẽ tiến hành cuộc chiến tranh tại bất cứ nơi nào trên thế giới “nơi nào có trời, đất và nước”. Đồng thời, ông Saddam Hussein cũng ra tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp để sẵn sàng đối phó với khả năng chiến tranh sắp xảy ra. Ngày 15-3, ông Saddam đã ra sắc lệnh chia Iraq thành bốn khu quân sự: miền bắc, miền trung, miền nam và Baghdad. Những nhân vật thân tín nhất với ông Saddam được giao quyền chỉ huy bốn khu vực này, mặc dù quyền lãnh đạo chung vẫn thuộc về Tổng thống.
Ngay sau khi Mỹ và đồng minh tuyên bố cơ hội cho hòa bình đã hết và sẽ không đưa bản dự thảo nghị quyết thứ hai ra biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, lập tức LHQ lệnh cho tất cả các nhân viên đang có mặt tại Iraq từ 18/3 phải rời khỏi đất nước này. Trước đó, Đức, Pakistan và Czech đã chính thức tuyên bố đóng cửa đại sứ quán.
Quyết định không đệ trình bản dự thảo nghị quyết thứ hai về sử dụng vũ lực đối với Iraq lên HĐBA được Đại sứ Anh tại LHQ Jeremy Greenstock thay mặt phe chủ chiến thông báo trong phiên họp của HĐBA ngày 17/3. Chút hy vọng cuối cùng để có thể cứu vãn hoà bình cũng tan biến khi HĐBA, cơ quan cao nhất của LHQ có nhiệm vụ kiến tạo và duy trì hoà bình cho toàn thế giới, không hề có phản ứng gì để ngăn chặn cuộc chiến đang sắp sửa nổ tung. Ngược lại, cơ quan này quyết định triệu hồi về nước tất cả các nhân viên hiện đang có mặt tại Iraq, gồm 300 thanh sát viên vũ khí và hơn 1.000 nhân viên gìn giữ hoà bình, nhà báo và các quan chức ngoại giao.
"Có lẽ chúng ta đã hết đường lựa chọn. Tôi nghĩ gần như tất cả các quốc gia, các dân tộc trên khắp thế giới đã hy vọng vào một giải pháp hoà bình cho vấn đề Iraq. Nếu chúng ta không thể làm được điều đó, rõ ràng đó sẽ là một sự thất vọng và một ngày buồn cho nhân loại," Tổng thư ký LHQ Kofi Annan phát biểu. Ông cho biết chương trình đổi dầu lấy lương thực cũng sẽ bị ngưng trệ do các nhân viên quốc tế có nhiệm vụ giám sát chương trình này phải rời khỏi Iraq.
Các nhà báo quốc tế cũng đã lũ lượt rời Baghdad sang lánh nạn ở Jordan. Theo Bộ Thông tin Iraq, một tuần trước đây có tới 450 nhà báo tác nghiệp ở Iraq. Con số này hiện chỉ còn chưa đầy 300 người. Không khí của một cuộc chiến đã phảng phất ở khắp mọi nơi trên đất nước Iraq. Chủ nhân của các cửa hàng tất bật với việc chuẩn bị nhà kho cất giấu hàng hoá đề phòng bom đạn và cướp bóc. Ngoài chợ, từng dòng người tấp nập mua bán, tích trữ hàng hoá dự phòng khi chiến tranh xảy ra.
. H.Bảo (tổng hợp) |