Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung cho biết trong dự thảo sửa đổi Pháp lệnh cán bộ công chức vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị bổ sung thêm đối tượng công chức dự bị. Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong về vấn đề này, Bộ trưởng nói việc bổ sung chế độ công chức dự bị vào nội dung sửa đổi Pháp lệnh này là để tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được đào tạo bài bản, có cơ hội làm việc tại các cơ quan hành chính. Đội ngũ công chức dự bị, chiếm khoảng từ 3 đến 5% tổng biên chế, sẽ là nguồn để tuyển chọn lực lượng bổ sung.
Ông Trung cũng cho rằng việc tuyển chọn đội ngũ công chức trẻ có đủ năng lực sẽ làm tăng thêm sinh khi cho các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, theo ông Trung, đây còn là vấn đề mới mẻ mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Do đó, các nội dung của chế độ công chức dự bị như khái niệm, nghĩa vụ, quyền lợi, tiêu chuẩn điều kiện, cơ chế thực hiện cần được tiếp tục làm rõ.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết thêm, Chính phủ kiến nghị được thực hiện thí điểm các qui định có liên quan đến công chức dự bị trước khi chuẩn hoá để đưa vào Pháp lệnh hoặc Luật công vụ. Về tiêu chuẩn của công chức dự bị, ông Trung nói, những đối tượng dự bị phải đạt mức gần như công chức. Những cơ quan tuyển dụng sau đó sẽ đào tạo thêm cho họ về hành chính và chuyên môn còn thiếu hụt, hoặc tăng cường các đối tượng này xuống các địa phương, cơ sở để có thêm thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, hiện chưa có qui định cụ thể về hình thức thi tuyển cũng như thời gian làm dự bị. Tuy nhiên, hình thức thi tuyển sẽ được qui định theo hướng phù hợp với đặc thù công việc của từng ngành. Ông Trung cũng nhận thấy rằng trong tương lai gần, các cơ quan hành chính sẽ bị hẫng hụt và thiếu những chuyên gia giỏi chuyên môn nghiệp vụ thay thế các lớp cha anh.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, biên chế hành chính tính đến tháng 12/2002 là 206.067 người, tăng 45.013 người so với năm 1993. Số tăng này chủ yếu là nhân sự của các cơ quan mới thành lập còn biên chế của các cơ quan quản lý nhà nước hầu như không tăng. Từ đó dẫn đến thực trạng: độ tuổi bình quân của đội ngũ công chức tăng từ 43 tuổi năm 1993 lên 47 tuổi vào năm 2002. Đặc biệt, số lượng cán bộ công chức trên 50 tuổi có xu hướng tăng, nếu như năm 1997 có 7,7% tổng biên chế trên 50 tuổi thì đến năm 1998 con số này đã lên đến 9,6%.
. TTXVN |