|
Xe tăng Mỹ bị chặn đánh khi tiến vào Iraq |
(BĐ) - Theo TTXVN và các nguồn tin khác, c ác máy bay Mỹ đã oanh tạc thành phố Mosul thuộc miền Bắc Iraq trong khi với sự yểm trợ của máy bay lên thẳng, bộ binh Mỹ đã tiến về thành phố miền Nam Basra và gây áp lực đối với thành phố này. Từng đoàn xe tăng và xe thiết giáp chở quân Sư đoàn Bộ binh số 3 đã gầm rú tiến vào lãnh thổ Iraq vào rạng ngày 21/3 trong một cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Hãng tin ABC nói các quan chức ước đoán có đến 10.000 xe, tiến vào Iraq từ 8 đến 12 điểm.
Tuy nhiên, vào trưa ngày 21-3, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ Kuwait tiến vào Iraq trên thiết giáp đã rơi vào trận địa pháo chống tăng ngay gần biên giới. Quân Iraq đồng thời cũng dùng súng máy và tiểu liên để bắn chặn đối phương. Phóng viên Reuters cho hay, chiến sự đang diễn ra khá quyết liệt. Một số thiết giáp Mỹ đã bị bỏ lại trận địa. Quân Mỹ đã yêu cầu pháo binh Anh yểm trợ. Chưa rõ số thương vong của lính thuỷ đánh bộ Mỹ.
Truyền hình Iraq đêm 20/3 đã bác bỏ tin nói rằng quân Mỹ và Anh đã chiếm được thành phố biên giới Um-Caxơ và khẳng định thành phố cảng quan trọng này hiện vẫn thuộc quyền kiểm soát của Iraq. Còn theo Tân Hoa xã, cuộc sống ở thủ đô Baghdad trong ngày 20/3 vẫn bình thường, bất chấp các cuộc không kích ác liệt của máy bay Mỹ vào một số mục tiêu nhạy cảm ở thủ đô. Số người đi trên đường phố ít hơn nhưng người ta vẫn thấy trẻ em đá bóng trên các đường phố nhỏ sau khi tan trường và thời gian ngừng giữa các đợt không kích. Các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường ở thủ đô Baghdad.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục kịch liệt phản đối cuộc tấn công quân sự của Mỹ và Anh vào Iraq. Tại phiên họp bất thường chiều 20/3 của Nghị viện châu Âu, nhiều nghị sĩ đã thể hiện bất bình trước cuộc tấn công vũ lực của Mỹ và đồng minh trên lãnh thổ Iraq. Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã bày tỏ ủng hộ nhân dân Iraq và nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh sẽ gây thêm mất mát cho người dân Iraq vốn đã chịu nhiều khó khăn. Ngoại trưởng Hy Lạp (nước đang giữ chức chủ tịch EU) Yeoryios Papandreou - Chủ tịch phiên họp bất thường này - cho biết tất cả những người dự phiên họp đều bày tỏ thông cảm sâu sắc đối với người dân Iraq và thất vọng trước việc nhà cầm quyền Mỹ phát động chiến tranh chống Iraq, đồng thời mong được góp phần tìm một giải pháp hòa bình. Ông kêu gọi hợp tác chặt chẽ giữa Liên minh châu Âu (EU) với thế giới Arập, giải quyết các hậu quả do chiến tranh gây ra, nhất là về cứu trợ nhân đạo; đồng thời đề nghị bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho Iraq và sự ổn định cho khu vực.
Cũng trong ngày 20/3, trong ngày họp đầu tiên của hội nghị cấp cao EU, các nhà lãnh đạo EU cũng đưa ra một tuyên bố chung khẳng định EU tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Tuyên bố kêu gọi các nước trong khu vực kiềm chế để không làm tăng sự mất ổn định trong khu vực; khẳng định giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Iraq và cam kết tiếp tục nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông theo lộ trình do Nhóm Bộ tứ đề ra.
Đặc biệt, cựu danh thủ bóng đá người Argentina Maradona cũng quyết định tham gia vào phong trào chống chiến tranh tại Trung Đông, sau khi Mỹ quyết định tấn công Iraq. Maradona đã gọi Tổng thống Bush là một tên tội phạm. Trong buổi trả lời phỏng vấn của kênh 7 Đài truyền hình Buenos Aires (Argentina) hôm 20-3, Maradona bày tỏ sự thương tiếc đối với những nạn nhân vô tội của cuộc chiến này. Anh nhấn mạnh: “Loài người đã bị xúc phạm khi tên côn đồ Bush thức giấc, và luôn mồm nói ‘chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh’, nhưng không ai có thể chặn được hắn. Bây giờ Mỹ đánh Iraq, ngày mai họ có thể sẽ tấn công Colombia rồi Argentina và Uruguay. Mỹ đã tự động làm bất cứ điều gì mình thích, bất chấp Liên Hợp Quốc và dư luận thế giới”. Đây không phải là lần đầu tiên Maradona phản đối Mỹ. Trước kia, anh đã chỉ trích cựu tổng thống Mỹ Clinton.
T.G (tổng hợp) |