Lực lượng phòng không Iraq đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ
21:28', 23/3/ 2003 (GMT+7)

Baghdad trong lửa đạn

Trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều 23/3, người phát ngôn của quân đội Iraq tuyên bố: trong 2 ngày qua lực lượng phòng không Iraq đã bắn hạ 7 máy bay của Mỹ, trong đó có 5 máy bay ném bom và 2 máy bay trực thăng. Phía Mỹ chưa có bình luận gì về tuyên bố này. Cũng trong t
rong cuộc họp báo này, Bộ trưởng Thông tin Iraq Muhammed Al Sahaf cho biết đã có 77 thường dân Iraq chết do bom chùm ở Basra, ngoài ra còn có 266 người bị thương trong cuộc tập kích bắt đầu từ ngày 22/3 của liên quân nhằm vào thành phố đông dân nhất Iraq. Ông Sahaf khẳng định rằng các binh sĩ Iraq vẫn đang chiến đấu dũng cảm chống "liên quân gangster" ở cảng Umm Qasr, và Anh - Mỹ sẽ được dạy cho một bài học. Bộ trưởng Thông tin Sahaf khẳng định Iraq sẽ đánh bại quân đồng minh. Hiện ở cảng Umm Qasr có khoảng 120 Vệ binh Cộng hoà chống trả các xe tăng của liên quân. Ông Sahaf nói rằng người Mỹ muốn Iraq "sốc và kinh hoàng", nhưng chính liên quân mới là đối tượng bị sốc và kinh hoàng.

Bên cạnh đó, Phó tổng thống Iraq Taha Yassin Ramadan vừa tuyên bố trong một cuộc họp báo, nước này đã bắt được 35 binh sĩ Mỹ và sẽ cho họ xuất hiện trên truyền hình cùng với những chiếc xe tăng bị bắn cháy ở thành phố miền nam Suk al-Shoukh. Phía quân đội Mỹ chưa có lời bình luận nào về tuyên bố trên. Ông Ramadan cũng phủ nhận tin cho rằng, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị thương sau các cuộc không kích của liên quân: "Trong 4 ngày qua, mọi người đã nhìn thấy Tổng thống nhiều lần trên truyền hình". Trước đó cũng có báo cáo cho biết chính ông Ramadan đã bị thương ngay trong trận tấn công đầu tiên vào Baghdad. Phó Tổng thống Ramadan đã bác bỏ báo cáo đặc nhiệm Mỹ hiện có mặt ở Baghdad: "Iraq đã cho phép lính Mỹ vượt sa mạc và cầu mong chúng tới Baghdad để dạy cho quân xâm lược xấu xa này cùng tất cả những kẻ theo đuôi một bài học". 

Trước đó, ngày 22/3, Bộ trưởng thông tin Iraq Muhammad Said Kazim al-Sahhaf đã yêu cầu Liên Hợp Quốc lên án và buộc Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến xâm lược Iraq. Ông vạch rõ, cuộc chiến của Mỹ chống Iraq đang đe dọa hòa bình quốc tế, khu vực và luật pháp quốc tế.

Đài truyền hình Iraq đưa tin ngày 22/3,Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã chủ tọa phiên họp với các tướng lĩnh và quan chức chính phủ trong đó có Phó Tổng thống Taha Yasin Ramadam, Phó Thủ tướng Tariq Mikhail Aziz, Bộ trưởng Quốc phòng S. Ameh, Bộ trưởng thông tin M. al-Sahhaf. Tổng thống Iraq đã tỏ ý hài lòng với tinh thần và hiệu quả chiến đấu của quân đội Iraq và các đảng viên đảng BAATH cầm quyền.

Một quan chức giấu tên của Bộ Thông tin Iraq tiết lộ với hãng tin Reuters (Anh) rằng ngày 21-3, chính phủ Iraq đã ra lệnh buộc các phóng viên của CNN (Cable News Network) phải rời khỏi thủ đô Baghdad vì kênh truyền hình này đã tham gia vào chiến dịch tung tin đồn thất thiệt của Mỹ. CNN cũng đã thừa nhận tin này và cho biết thêm nhóm phóng viên đang ở Baghdad hiện nay sẽ chuyển sang làm việc tại Jordan - quốc gia láng giềng phía tây nam của Iraq

Cũng trong ngày 22/3, trong bài diễn văn đọc trên truyền hình,Tổng thống Mỹ George Bush đã thừa nhận cuộc chiến chống Iraq có thể kéo dài và khó khăn hơn dự kiến vì lực lượng liên quân Anh Mỹ đã vấp phải sức kháng cự mạnh không ngờ của quân đội Iraq trên đường tiến công vào Baghdad. Cùng ngày, Tổng thống Bush đã triệu tập Hội đồng chiến tranh tới họp tại trại David để xem xét các báo cáo mới nhất về tình hình cuộc chiến chống Iraq với sự có mặt của Cố vấn an ninh quốc gia C.Rice, Bộ trưởng quốc phòng D. Rumsfeld, Ngoại trưởng C.Powell, Giám đốc CIA G.Tennet. Trong cuộc họp, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông quyết tâm dùng những "đòn quyết định" để đánh đổ chế độ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Các nguồn tin cho biết ông Bush sẽ yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua ngân sách chiến tranh có thể lên tới 75 tỷ đô la nếu cuộc chiến kéo dài hơn dự kiến. Tướng Mỹ Tommy Franks, tổng chỉ huy chiến dịch xâm lược Iraq cũng tuyên bố những ngày sắp tới sẽ cực kỳ gay go. Hiện đã có thêm 4 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại miền Trung Iraq. Iraq cũng đã đốt các đường hào đổ đầy dầu xung quanh Baghdad để gây trở ngại cho các cuộc không kích. Còn theo Tân Hoa Xã, 2 máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ Anh đã bị bắn rơi trên bầu trời Baghdad. Thông tấn xã Iran cho hay, tên lửa của liên quân đã bắn vào đất Iran, đồng thời tố cáo máy bay của Anh và Mỹ tiếp tục vi phạm không phận nước này.

Một em bé Iraq bị thương do bom Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Anh cho biết vào sáng 23/3, một chiếc phi cơ của không quân hoàng gia Anh mất tích trên bầu trời vùng Vịnh, gần biên giới Kuwait, do bị tên lửa Patriot của Mỹ bắn phải. “Hình như chiếc máy bay bị dính tên lửa Patriot. Phi hành đoàn mất tích. Tôi chưa xác định được loại may bay và số phi công trên khoang", phát ngôn viên nói. Thông tin trên cũng được xác nhận bởi các quan chức liên quân tại sở chỉ huy trung ương Mỹ tại Qatar. Hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành. Bộ Quốc phòng Anh cũng thông báo, 2 máy bay thuộc lực lượng Hải quân hoàng gia Anh Sea King đã đâm nhau trên vùng hải phận quốc tế tại vùng Vịnh, 7 binh sĩ thiệt mạng. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho hãng thông tấn Reuters hay: ''Hai chiếc trực thăng đã đụng nhau ở tầm trung khiến 7 binh sĩ chết''. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ tư lệnh quân đội Anh vẫn chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào khác, đặc biệt là vị trí cụ thể nơi xảy ra sự vụ trên. Trước đó, 8 binh sĩ Anh và 4 lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã thiệt mạng cũng trong một vụ rơi máy bay tại Kuwait. Nguồn tin quân sự cho hay, đã có 2 binh sĩ đồng minh khác thiệt mạng trong khi đang làm nhiệm vụ.

Đáng chú ý, một lính Mỹ đã bị bắt vì ném lựu đạn vào vào sư đoàn 101 quân đội Mỹ. Chưa rõ họ tên của nghi can nhưng đây là một thành viên của sư đoàn không vận 101. Thủ phạm đã ném 3 quả lựu đạn vào 3 căn lều chỉ huy, làm chết 1 người, 12 người khác bị thương, 6 trong số đó ở vào tình trạng nguy kịch. Sư đoàn không vận 101 hiện đang đóng quân ở phía bắc Kuwait, trên đường tiến về phía thủ đô Baghdad. Nguyên nhân của vụ việc đang được làm sáng tỏ.

Trong khi đó, phong trào phản đối chiến tranh Iraq tiếp tục lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Pháp, phong trào phản đối nhà cầm quyền Mỹ, Anh gây chiến tranh chống nhân dân Iraq ngày một tăng. Các cuộc biểu tình cũng tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố ở Mỹ như New York, San Francisco, Chicago. Những người biểu tình đã xông vào dán đầy các biểu ngữ phản đối chiến tranh trong trang trại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld ở New Mexico. Còn tại Anh đã nổ ra cuộc tuần hành của 250 nghìn người. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra. Những người biểu tình chống chiến tranh đã phong tỏa các tuyến đường giao thông ở thủ đô Luân Đôn, phản đối sự can dự của quân đội Anh vào cuộc chiến mà họ gọi là "sự chiếm đoạt dầu mỏ bất hợp pháp". Lãnh đạo các tôn giáo lớn ra tuyên bố chung kêu gọi các tín đồ và người dân đoàn kết chống chiến tranh. Tại Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga I.Ivanov khẳng định Nga sẽ kiên quyết chống lại âm mưu thông qua Hội đồng Bảo an LHQ để hợp pháp hóa cuộc chiến tranh của Mỹ và Anh chống Iraq.

Làn sóng biểu tình cũng đang lan rộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Australia, khoảng 3.000 người đeo những chiếc mặt nạ phòng độc, tuần hành làm tắc nghẽn nhiều đường phố chính ở thành phố Bribane. Hàng nghìn người Australia cho biết sẽ tham gia cuộc tuần hành lớn diễn ra ở Sydnei ngày 23/3. Tại New Zealand, hơn 4.000 người trang bị kèn, trống rầm rộ tuần hành tới Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Wellington, hô vang "Chúng tôi không muốn chiến tranh đẫm máu". Những người biểu tình ném giấy vệ sinh và hắt sơn đỏ vào Đại sứ quán Mỹ.

Thủ tướng Pakistan đã thông báo sẽ hủy bỏ chuyến thăm Washington vào tuần tới để phản đối cuộc chiến tranh của nhà cầm quyền Mỹ. Khoảng 10.000 người Pakistan dã biểu tình ở nhiều thành phố sau buổi cầu nguyện hằng tuần của người Hồi giáo, đốt cờ Mỹ và hình nộm Tổng thống G.Bush. Tại Indonesia, diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn ở 10 thành phố khắp cả nước. Khoảng 500 người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Jakarta, hô vang các khẩu hiệu chống nhà cầm quyền Mỹ. Tại Thái-lan, khoảng 300 người biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bangkok. Tại Bangladesh, Việt Nam và nhiều nước khác cũng tiếp tục diễn ra những cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Mỹ phát động chống nhân dân Iraq.

. P.V (tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lính thủy đánh bộ Mỹ bị quân Iraq bắn chặn  (22/03/2003)
Việt Nam thắng thầu bán 150.000 tấn gạo cho Philíppin   (21/03/2003)
LHQ sẽ làm tất cả để giúp đỡ thường dân Iraq   (21/03/2003)
Vàng và dầu thô cùng rớt giá  (21/03/2003)
Quảng Bình: Sinh viên tốt nghiệp được ưu tiên tuyển dụng trợ cấp 7-10 triệu đồng/người  (21/03/2003)
Tàu chở 600 tấn dầu bị chìm ở biển Vũng Tàu  (21/03/2003)
Iraq bắn rơi một máy bay Mỹ, khẳng định không bắn tên lửa sang Kuwait   (21/03/2003)
Cả nước hiện có 5081 kênh viễn thông quốc tế  (20/03/2003)
Phát hiện thiết bị nghe trộm điện thoại tại trụ sở EU   (20/03/2003)
Việt Nam có 78 dự án đầu tư ra nước ngoài  (20/03/2003)
'Cuộc chiến chống Iraq của Mỹ là bất hợp pháp'  (20/03/2003)
'Bush là tên tội phạm chống lại loài người'  (20/03/2003)
Chiến tranh Iraq đã bắt đầu  (20/03/2003)
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi giai đoạn 2  (19/03/2003)
LHQ công bố dự thảo hiệp định thành lập phiên tòa xét xử Khơme Đỏ  (19/03/2003)