Các lực lượng liên quân đã nhận được lệnh ngừng tiến công về Baghdad trong vòng 4 đến 6 ngày tới do khó khăn về tiếp tế hậu cần và sự kháng cự mạnh mẽ của quân dân Iraq. Theo các quan chức quân sự Mỹ, trong thời gian này, quân đội Mỹ sẽ cố gắng khắc phục các sự cố về vấn đề hậu cần do con đường tiếp tế từ Kuwait quá dài, lại thường xuyên bị phục kích. Trong khi đó, các cuộc không kích vào các mục tiêu ở phía bắc vẫn tiếp tục, nhằm làm giảm sức mạnh của quân đội Iraq trước khi bộ binh tiến đến Baghdad. Tuy nhiên, người phát ngôn chính của quân đội Anh tại Qatar, Đại tá Al Lockwood, lại không chính thức thừa nhận việc tạm ngừng tiến quân mà chỉ thừa nhận các binh lính cần phải chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Sự chống cự của các du kích thuộc lực lượng Fedayeen của Iraq quyết liệt hơn nhiều so với dự đoán, ở các thị trấn dọc con đường tiến quân của liên quân, đặc biệt là đoạn từ thành phố Nasiriya huớng lên phía bắc, đã khiến cho việc vận chuyển hàng tiếp tế trở thành vấn đề khó khăn lớn. Trong tuần này, nhiều đoàn xe chở đồ tiếp tế qua Nasiriya đã liên tục bị du kích Iraq phục kích. Ngày 29/3, một chiếc xe chở bom với 2 người Iraq trên xe đã phát nổ tại một điểm kiểm tra quân sự của Trung đoàn số 1, thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 của Mỹ tại thành phố miền trung Najaf làm 4 lính Mỹ chết. Đây là vụ đánh bom cảm tử đầu tiên vào lực lượng liên quân kể từ khi chiến tranh nổ ra. Trước đó, liên quân đã nhận được các lời cảnh báo về các cuộc tấn công cảm tử như thế này ở Iraq
Trong một diễn biến khác, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh Robin Cook đã mô tả cuộc chiến tranh ở Iraq là "đẫm máu và không cần thiết" và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Anh rút lực lượng Anh ở Iraq về nước ngay lập tức. Ông Robin Cook, người gần đây đã từ chức Chủ tịch Hạ viện Anh để phản đối việc liên quân sử dụng vũ lực tiến công Iraq mà không được phép của LHQ, cũng cảnh báo rằng Anh và Mỹ đã tạo ra "sự thù hằn lâu dài" trong thế giới A-rập và Hồi giáo đối với phương Tây.
Trước đó, vào rạng sáng 29/3 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết cho phép nối lại chương trình viện trợ nhân đạo cho Iraq thông qua chương trình "đổi dầu lấy lương thực". Theo nghị quyết này, Tổng Thư ký LHQ Kofil Annan sẽ trực tiếp điều hành chương trình trong vòng 45 ngày tới. Tuy nhiên Iraq đã bác bỏ nghị quyết này. LHQ cũng đã kêu gọi các nước hỗ trợ tài chính khoảng 2 tỷ USD để viện trợ nhân đạo cho Iraq, trong đó khoảng 1,2 tỷ USD sẽ dùng để mua lương thực khẩn cấp. Nhiều quốc gia đã hưởng ứng và cam kết sẽ viện trợ nhân đạo cho Iraq. Pháp và Đức, mỗi nước sẽ viện trợ 10 triệu euro trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ khác.
Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến tranh chống nhân dân Iraq tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau. Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp lãnh đạo các phái đại biểu của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga ở Điện Kremlin ngày 28/3, Tổng thống Nga V.Putin yêu cầu chấm dứt ngay chiến tranh và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Iraq. Còn Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Anh Phàm đòi nhà cầm quyền Mỹ và Anh chấm dứt chiến tranh ở Iraq, quay lại con đường tìm biện pháp chính trị để giải quyết khủng hoảng. Đại sứ Vương Anh Phàm một lần nữa phê phán việc nhà cầm quyền Mỹ và Anh phát động chiến tranh chống nhân dân Iraq là vi phạm Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, gây tổn thất về tính mạng và tài sản cho dân thường Iraq, ảnh hưởng an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Việc máy bay Mỹ, Anh ném bom Đài Truyền hình Iraq cũng đã gây ra sự phản đối kịch liệt của báo giới. Ngày 28/3, Viện báo chí quốc tế (IPI) có trụ sở tại Viên (Áo), đã lên án việc ném bom Đài Truyền hình Iraq là vi phạm Công ước Geneva. Trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld, IPI tố cáo hành động này của nhà cầm quyền Mỹ, Anh đã vi phạm quyền của người dân Iraq được tiếp cận thông tin.
. P.V (tổng hợp)
|