Lãnh đạo Mỹ, Anh thừa nhận chiến tranh Iraq chưa kết thúc
17:46', 10/4/ 2003 (GMT+7)

Tối 9/4, xe tăng của Mỹ đã tiến vào trung tâm thủ đô Baghdad và kéo đổ bức tượng bằng đồng cao 6m của Tổng thống Saddam Hussein. Tin tức cũng cho biết trụ sở Bộ Tài chính ở trung tâm Baghdad đã bốc cháy. Các nhân chứng nhìn thấy khói đen bốc lên ngùn ngụt. Tuy nhiên không rõ tòa nhà bị cháy do hỏa hoạn hay bị trúng đạn của lực lượng đồng minh. Người ta nghe thấy hàng loạt tiếng nổ ở vành đai phía Tây Nam thủ đô, nơi có sân bay Saddam mà Mỹ chiếm được từ tuần trước.

Chỉ huy sư đoàn bộ binh số 3 của Mỹ nói với các nhà báo tại sân bay Saddam rằng quân Mỹ đã chiếm được phần lớn thủ đô Baghdad, nhưng chiến sự vẫn tiếp tục. Tại Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Ari Fleischer cho biết Tổng thống George Bush hài lòng với những tiến bộ của liên quân, nhưng ông cũng cảnh báo về "mối nguy hiểm lớn còn ở phía trước". Cùng ngày, tại Luân Đôn, phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Tony Blair cho rằng hãy còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng ở Iraq.

Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã lớn tiếng ca ngợi những tiến bộ mà liên quân Mỹ, Anh đạt được trong cuộc chiến tại Iraq, nhưng ông cũng lưu ý cuộc chiến này sẽ tiếp diễn. Ông nói sẽ còn khó khăn và những ngày rất nguy hiểm ở phía trước. Quân đội Mỹ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc "phải bắt, giết chết hoặc xử lý Saddam Hussein, các con của ông ta và ban lãnh đạo Iraq". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các nhà lãnh đạo Iraq đang chạy sang Xyri và Xyri tiếp tục giúp đỡ Iraq.

Ngay sau khi lực lượng liên quân tiến vào trung tâm thủ đô Baghdad, tờ báo Ath-Thawra, cơ quan ngôn luận của đảng Baath cầm quyền ở Iraq đã viết bài khẳng định "Baghdad sẽ vùng dậy chống lại sự chiếm đóng". Bài báo nhấn mạnh: "Với quyết tâm của mọi người, với sự đoàn kết của nhân dân chúng ta và dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Saddam, thử thách này sẽ qua đi".

* Số phận Tổng thống Saddam vẫn là điều bí ẩn 

Nhiều nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã có mặt trong một toà nhà tại Thủ đô Baghdad trước khi toà nhà này bị bom Mỹ và đồng minh san phẳng. Nhiều nguồn tin khác khẳng định, vị lãnh đạo chính quyền Iraq này đã trốn thoát. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tìm kiếm quanh khu vực trên với hy vọng tìm ra chút manh mối về số phận của ông Saddam. Các nhân viên tình báo Mỹ đã mô tả thông tin làm cơ sở cho cuộc không kích hôm 7/4, song không đưa ra những chi tiết cụ thể.

Tình báo Mỹ đã tin vào lời kể của một nhân chứng đã nhìn thấy Tổng thống Saddam đi vào trong ngôi nhà nói trên. Tuy nhiên, cho đến nay không có bất kỳ ai thảo luận về đặc điểm và cũng như mức độ tin cậy của nhân chứng. Trong khi đó, có nhiều nguồn tin cho biết, ông Saddam đã thiệt mạng. Tờ Guardian của Anh dẫn lời một nguồn tin tình báo không xác định cho biết: ''Tổng thống Saddam có thể không có mặt trong toà nhà này vào thời điểm bị đánh bom''. 

Bình luận về nguồn tin trên, Văn phòng Ngoại giao Anh thừa nhận: ''Có nhiều khả năng ông ta đã thoát''. Trong khi đó, ông Ahmad Chalabi, Thủ lĩnh Đảng Đại hội dân tộc Iraq từng phải lưu vong, cho hãng thông tấn CNN hay, theo một nguồn tin từ trong nước, ông Saddam và hai con trai đã thoát khỏi trận bom và hiện ở một thị trấn phía đông bắc thành phố Baghdad.

Có nhiều khả năng ông Saddam sẽ tới thành phố quê hương Tikrit, phía bắc Baghdad, nơi đã bị quân đồng minh tăng cường đánh bom trong mấy ngày vừa qua. Hiện, có nhiều nguồn tin ông này nhiều khả năng đã đến Syria, hoặc ẩn náu tại Đại sứ quán Nga ở Baghdad.

* Đại sứ Iraq tại LHQ: "Cuộc chơi đã kết thúc"

Đó là thừa nhận đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến thời điểm này của Chính quyền Saddam Hussein về những gì đang xảy ra tại Thủ đô Baghdad trong ngày thứ 21 của của chiến tranh. Ngài đại sứ Mohammed Aldouri nổi tiếng vì sự thẳng thắn, quyết liệt trong các cuộc khẩu chiến tại diễn đàn LHQ cũng tiết lộ mong ước lớn nhất hiện nay của ông là nhân dân Iraq sớm được sống trong hoà bình. Trả lời câu hỏi về Saddam Hussein, ngài đại sứ cho biết trong mấy ngày gần đây ông không có liên lạc với Baghdad và do vậy không thể biết được hiện nay Tổng thống đang ở đâu. 

Có thể nói phát ngôn của ông Aldouri là một lời thừa nhận về giờ phút lâm nguy của một chế độ. Trong khi đó, từ quê nhà, do hệ thống truyền thông đại chúng của Iraq đã gần như bị tê liệt suốt từ hôm thứ ba (8/4) đến nay nên tuyệt nhiên không có lấy một tuyên bố, một phản ứng nào của chính quyền về những diễn biến quá nhanh chóng và bất ngờ diễn ra tại Baghdad.

Trong một diễn biến khác, mặt trận ác liệt nhất hiện nay là ở phía Bắc, đặc biệt là Thành phố Tikrit, quê hương của Saddam, cách Baghdad khoảng 150km. Tại đây, các lực lượng trung thành nhất của Tổng thống đang hợp quân và quyết tâm tử thủ đến cùng. 

. PV (Tổng hợp)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bà Rịa - Vũng Tàu: điều tra vụ xâm hại đường ống dẫn khí   (09/04/2003)
Xây dựng nhiều nhà tình thương cho người nghèo  (09/04/2003)
Một cán bộ cách mạng lão thành tặng quỹ từ thiện 155 triệu đồng  (09/04/2003)
Công bố Nghị quyết về bồi thường thiệt hại cho người bị oan   (09/04/2003)
Tổng thống Saddam vẫn kiểm soát Vệ binh Cộng hòa  (09/04/2003)
Hơn 600 người hiến máu nhân đạo  (08/04/2003)
Thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp  (08/04/2003)
Đầu tư 600 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn  (08/04/2003)
Sắp có chợ cà phê Buôn Ma Thuột   (08/04/2003)
40 triệu người châu Phi có nguy cơ chết đói  (08/04/2003)
Quân Mỹ liên tiếp tấn công vào trung tâm Baghdad  (08/04/2003)
Hỗ trợ sau cháy rừng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng   (07/04/2003)
EU hỗ trợ 41 triệu EUR cho thúc đẩy hợp tác với châu Á   (07/04/2003)
Sắp có thêm mạng điện thoại di động mới  (07/04/2003)
CHDCND Triều Tiên phản đối LHQ họp bàn về hạt nhân   (07/04/2003)