Theo tờ "Người quan sát" (Anh), quân đội Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo từ chính những cố vấn dân sự của họ về việc cần ngăn chặn nạn cướp phá cổ vật tại Baghdad. Cuối tháng 3, Cơ quan tái thiết và viện trợ nhân đạo (ORHA), vốn được thành lập để phụ trách quá trình tái thiết Iraq sau chiến tranh, đã đưa ra một bản ghi nhớ cho biết, Viện Bảo tàng quốc gia Baghdad được xác định là mục tiêu hàng đầu cần được ưu tiên bảo vệ sau Ngân hàng Quốc gia Iraq.
Nạn cướp bóc cổ vật ở Viện bảo tàng có thể coi là sự mất mát không thể bù đắp được đối với kho tàng văn hóa vô giá của nhân loại. Thế nhưng quân đội Mỹ vẫn tỏ ra chậm trễ trong việc bố trí lính gác bên ngoài Viện bảo tàng, vì thế hơn 270 nghìn hiện vật đã không cánh mà bay. Giám đốc ORHA Jay Garner tức giận nói: "Chúng tôi chỉ cần một vài người lính tại mỗi toà nhà, và nếu họ sợ bị bắn tỉa, có thể điều động thêm xe tăng nữa, chỉ cần một, hai chiếc. Các tướng chỉ huy đã từ chối việc này, và chỉ đứng đó nhìn mọi chuyện xảy ra".
Khoảng hai tuần sau khi bản ghi nhớ này được đưa ra, ORHA nhận được tin rằng thậm chí người ta còn không đọc nó. Một quan chức thú nhận rằng, ORHA đã không coi các bệnh viện là mục tiêu cần được bảo vệ, bởi vì họ không thể tưởng tượng rằng người Iraq lại có thể giết hại cả đồng bào mình, vì thế những nơi này cũng bị cướp bóc nặng nề. Ngày 20-4, các nhà khảo cổ Mỹ nhắc lại, trước đó, suốt ba tháng trời, họ đã cố gắng lưu ý chính phủ Mỹ về nguy cơ đối với các cổ vật ở Iraq.
Giám đốc Viện khảo cổ Mỹ cho biết: "Chuyện này hoàn toàn có thể tính trước được." Trước khi xảy ra nạn cướp bóc một tuần, một lá thư từ Trường Đại học De Paul đã được gửi tới thiếu tá Christopher Varhola, người phụ trách về dân sự của quân đội Mỹ tại Kuwait, đề nghị cử quân lính đến trấn giữ tại Viện bảo tàng Quốc gia Iraq. Thiếu tá Varhola trả lời rằng, đề nghị này đã không được các sĩ quan chỉ huy bộ binh chấp thuận.
Tờ Người quan sát đã có được các tài liệu này khi ORHA đệ trình lên các tướng lĩnh của quân đội Mỹ ngày 26-3, trong đó liệt kê 16 địa điểm cần phải được bảo vệ cẩn mật càng sớm càng tốt để ngăn chặn nạn phá hoại hoặc mất cắp các tài liệu, sổ sách hay tài sản. Đứng đầu trong danh sách là Ngân hàng, tiếp đó là Viện Bảo tàng. Bộ Dầu mỏ - nơi được quân Mỹ canh gác cẩn thận nhất đứng cuối cùng trong danh sách này. Một quan chức ORHA nói: " Bọn đánh cắp cổ vật phải bị bắt giữ". Thế nhưng những tên kẻ cắp vẫn tiếp tục mang "chiến lợi phẩm" qua mặt lính Mỹ, và chẳng có xe tăng nào xuất hiện trước Bảo tàng trong những ngày này cả.
Khoảng 20 cổ vật bị mất cắp đã được tìm thấy, nhưng hàng chục nghìn cổ vật khác đã bị mất. Hiện nay Mỹ đã cử một nhóm các nhân viên FBI đến để điều tra xem liệu có phải các cổ vật đã bị lấy cắp theo đơn đặt hàng không. Ông Martin Sullivan, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Tổng thống Bush về di sản văn hoá đã nói rằng việc Viện bảo tàng không được ưu tiên bảo vệ bằng Bộ Dầu mỏ là không thể tha thứ được.
|