Viễn cảnh kinh tế của Việt Nam tiếp tục thuận lợi mặc dù bối cảnh bên ngoài vẫn mất ổn định. GDP thực tế dự kiến tăng tới khoảng 7% năm 2003"- báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 28-4 dự báo. Theo WB, lòng tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. Tình hình môi trường của khu vực tư nhân được cải thiện với hơn 20.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động năm ngoái, tăng khoảng 11% so với năm 2001. Những doanh nghiệp mới này đã góp phần đáng kể vào việc tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân trong GDP. Bên cạnh đó, con số dự tính cho thấy giải ngân FDI thực tế tăng khoảng 10% vào năm ngoái và những tính toán ban đầu của năm nay cũng cho thấy mức vốn FDI vào Việt Nam sẽ được duy trì. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu được ghi nhận ở mức rất khích lệ là tăng 43% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
WB đánh giá chương trình nghị sự về cải cách của chính phủ Việt Nam vẫn đi đúng hướng mặc dù việc thực hiện cải cách còn chưa đồng đều trong mọi lĩnh vực. Ông Klaus Rohland, giám đốc WB tại Việt Nam, cho biết 100 triệu USD dự kiến được đưa ra giữa năm nay nhằm hỗ trợ các chương trình cải cách của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 28-4 cũng ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng. Theo ADB, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng của SARS ít nhất ở châu Á trong số các nước bị SARS hoành hành nhưng vẫn có thể phải chịu 0,1 - 0,4% suy giảm GDP. Các ngành khách sạn, ăn uống, viễn thông, vận tải và bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
. Tuổi trẻ
|