Sau gần 2 tháng phối hợp tìm kiếm, đoàn khảo cổ học thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tổng hợp Tỉnh đã tìm thấy di chỉ mộ táng và rất nhiều di vật ở khu vực Giồng Lớn xã đảo Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu. Di chỉ mộ táng được phát hiện nằm ở độ sâu 0,8m - 1,4m ở 5 hố khai quật có tổng diện tích 350m2 với hai loại hình là mộ nồi và mộ đất. Tại 3 trong số 5 hố, các nhà khảo cổ tìm thấy 5 chiếc mộ nồi có đường kính thân từ 35 - 50 cm, có thân xuôi hoặc gẫy, đế hình cầu, phía trên được đập vặn thừng hoặc khắc vạch.
Khác với mộ nồi, 49 chiếc mộ đất được tìm thấy cả ở 5 hố. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra một số dấu vết của xương cốt đã bị mủn nát. Đây là lần đầu tiên phát hiện ra xương cốt khi khai quật các di chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại các khu mộ này các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết tro than xung quanh các cụm gốm. Các nhà khoa học giả thiết đây có thể là một hình thức táng tục của người thời đó hoặc là những tàn đuốc khi đem người đi chôn vào ban đêm.
Đoàn khảo cổ cũng đã thu lượm được 1.638 hiện vật bằng các chất liệu như gốm (nồi, bình, vò, bát bồng, mâm bồng...), đá, thủy tinh (vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi đeo cổ), sắt (thanh kiếm, dao găm, dao nhỏ lưỡi cong, giáo sắt) và cả vàng. Một số hiện vật còn ở dạng bán thành phẩm như hạt chuỗi bằng mã não chưa có lỗ xâu dây, hoặc một số mảnh vàng còn để lại những dấu vết gia công trên bề mặt.
Qua các di tích, di vật được tìm thấy, các nhà khảo cổ đánh giá di tích Giồng Lớn thuộc văn hóa Óc Eo, cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.
. TTXVN
|