Thời báo Washington (Mỹ) ra ngày 29-5 đã đăng bài phỏng vấn của phóng viên báo này với Hạ nghị sĩ Mỹ R.Simon (đảng Cộng hòa), người vừa tới thăm Việt Nam trở về.
Ông R.Simon từng tham gia chiến tranh Việt Nam thừa nhận, những thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam đã làm cho ông thay đổi cách nhìn về đất nước và con người Việt Nam. Trước đây, ông là một trong những Hạ nghị sĩ Mỹ tích cực ủng hộ cái gọi là "dự luật nhân quyền Việt Nam", nhưng nay sau những gì được chứng kiến ở Việt Nam trong chuyến đi lần thứ ba vừa qua, ông cho biết sẽ bỏ phiếu chống lại dự luật này, thậm chí sẽ tranh luận với những hạ nghị sĩ khác bảo trợ cho dự luật. Ông Simon cũng ghi nhận sự hợp tác hết sức tích cực của Việt Nam trong việc giúp tìm kiếm các trường hợp lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, trong khi chính Việt Nam còn có tới hơn 300.000 người bị mất tích.
Báo này còn có bài viết về kết quả làm ăn của các công ty Mỹ và tiềm năng thị trường Việt Nam. Bài báo vạch rõ rằng, một số nhà đầu tư Mỹ có mặt đầu tiên ở Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ đã vội vã ra đi, nay nhiều người trong số họ đều cảm thấy nuối tiếc. Môi trường ở Việt Nam giờ đây đã thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên đó và Việt Nam là một thị trường có nhiều hứa hẹn về tương lai. Bởi thế, những người bám trụ lại thị trường 80 triệu dân này chọn chiến lược lâu dài và họ đã thu được thành công. Hãng xe hơi nhỏ bé, nhưng Nhà máy Ford ở Việt Nam là một trong những chi nhánh thành công nhất của hãng này trên thế giới, thu lợi nhuận chỉ sau một vài năm xâm nhập thị trường Việt Nam. Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Mỹ, các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu như Cisco Systems, IBM và Intel cũng có được những thành công tương tự và ngày càng mở rộng hoạt động của họ tại thị trường Việt Nam.
. Nhân Dân
|