Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết hiện bão số 3 đã tan nhưng chiều tối 22-7, cơn bão số 4 đã vượt qua quần đảo Philippin vào biển Đông.
Vào 1h sáng ngày 23-7, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 18,1 độ vĩ Bắc, 118,5 độ kinh Đông, trên khu vực Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới bão số 4 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km.
Hiện nay do ảnh hưởng của bão số 3 và áp thấp nhiệt đới nên các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa và mưa to.
Ngày 22-7, cơn bão số 3 đã đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Bão đã gây ra gió mạnh cấp 9, giật trên cấp 9 ở Nam Định và Thái Bình; cấp 8, giật cấp 9 ở Ninh Bình và Thanh Hóa. Sau đó bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây ra mưa vừa và mưa to ở các tỉnh phía đông Bắc bộ và bắc Trung bộ.
Theo báo cáo ban đầu, cơn bão số 3 đổ bộ vào Thanh Hóa và Thái Bình đã làm 10 người bị thương. Tỉnh Thái Bình có 250 ngôi nhà bị tốc mái, 20 cột điện đổ, 1 thuyền đánh cá chìm, 200 ha lúa và 300 ha hoa màu ngập úng, hư hại, một số đoạn đê biển bị sạt lở.
Tỉnh Thanh Hóa có 16 nhà, 2 phòng học bị đổ; 779 nhà, 42 phòng học, 7 phòng trạm xá bị tốc mái; 1 tàu đánh cá bị đắm; 1.900 ha lúa, hoa màu bị đổ, hư hỏng; 2 cột điện cao thế, 80 cột điện hạ thế bị đổ.
Tại bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn-Hải Phòng) có 1 người chết do tai nạn trong lúc neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, trạm cảnh báo bão Đồ Sơn, cột truyền hình huyện đảo Bạch Long Vĩ và nhiều cột điện tại các huyện Tiên Lãng và An Lão (Hải Phòng) bị đổ và hư hỏng nặng.
Tỉnh Nam Định có 2.058 nhà bị đổ và tốc mái, 3.300 ha lúa hư hại, 1.972 cột điện bị đổ. Tỉnh Ninh Bình có 1 người (tại huyện Tam Điệp) chết do bị cây đổ; 9 nhà bị tốc mái; 94 cột điện bị đổ.
|