|
Một phần tòa nhà bị hư hỏng |
Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại khách sạn Canal, nơi đặt Văn phòng LHQ tại Baghdad, làm sụp đổ mặt tiền của tòa nhà và làm ít nhất 17 người chết, trong đó có Trưởng đại diện LHQ Sergio Vieira de Mello và hơn 100 người bị thương. Nhiều người vẫn đang bị kẹt trong đống đổ nát.
Một người phát ngôn quân đội Mỹ nói nguyên nhân của vụ nổ có thể là do một quả bom đặt trong xe ô tô.
Nỗ lực tìm kiếm những người sống sót đang được tiến hành, trong lúc khói đen vẫn bay lên từ tòa nhà này. Theo ông Salim Lone, một nhân viên LHQ ở đây, vụ nổ diễn ra "ngay dưới cửa sổ" phòng làm việc của ông Mello. Phải rất khó khăn người ta mới cứu được ông Mello ra khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên, nhà ngoại giao 55 tuổi người Brazil đã qua đời một vài giờ sau khi được cấp cứu.
Trước chiến tranh, các nhân viên thanh tra vũ khí LHQ đã từng ở khách sạn này. Khách sạn này nay được sử dụng như một khu văn phòng, và các nhân viên cứu trợ nhân đạo thường tổ chức các cuộc họp ở đây.
Vào thời gian xảy ra vụ nổ, trong tòa nhà đang diễn ra cuộc họp báo của LHQ về tháo dỡ mìn.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan lên án vụ tấn công này là "một tội ác không chỉ chống lại LHQ mà còn chống lại chính Iraq". Ông nói: "Chẳng có gì có thể bào chữa cho hành động bạo lực tàn sát và vô cớ chống lại những con người tới Iraq... để giúp đỡ người dân Iraq".
Tướng Mỹ Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền dân sự Iraq nói lực lượng Mỹ quyết tâm tìm ra ai đứng sau vụ đánh bom này.
Nhà ngoại giao Syria Fayssal Mekdad, hiện giữ chức chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ, nói: "Những vụ khủng bố như thế này không thể phá vỡ ý chí của cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực giúp đỡ người dân Iraq".
Tổng thống George W. Bush coi vụ tấn công này là hành động của "những kẻ khủng bố".
Trong một diễn biến khác, Phó Tổng thống Iraq Taha Yassin Ramadan, đã bị bắt hôm thứ hai ở Mosul, cũng là nơi mà hai con trai của Tổng thống Saddam Hussein bị bắn chết tháng trước. Ông Ramadan đã được trao cho quân Mỹ. Khi còn cầm quyền, ông Ramadan đã bị buộc tội đàn áp cuộc nổi dậy của người Kurd ở miền bắc những năm 80 và người Shia ở miền nam sau chiến tranh vùng vịnh 1991. Ông Ramadan là người thứ 20 trong danh sách 55 người bị Mỹ truy nã.
. Nhân Dân
|