Nobel 2004: Nhiều bất ngờ thú vị
16:3', 17/10/ 2004 (GMT+7)

Giải thưởng Nobel là một trong những giải thưởng quốc tế danh giá nhất, được trao hàng năm cho những phát minh, sáng kiến và những cống hiến cho nhân loại về các lĩnh vực: vật lý, hóa học, y tế, văn học, kinh tế và hòa bình.

* 103 năm giải Nobel

Bà Wangari Maathai - người đoạt giải Nobel Hòa bình 2004

Người sáng lập ra giải thưởng này là nhà tư bản công nghiệp người Thụy Điển, ông Alfred Nobel. Đầu tiên, chỉ có các giải thưởng vật lý, hóa học, y tế, văn học và hòa bình. Theo quy định trong di chúc để lại năm 1896 của ông Alfred Nobel, các giải Nobel về vật lý, hóa học, y tế và văn học được trao tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, còn lễ trao giải Nobel hòa bình sẽ diễn ra tại thủ đô Oslo của Nauy.

Các giải thưởng Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Đến năm 1968, một giải thưởng mới được thành lập là giải kinh tế. Tất cả các giải thưởng được trao vào ngày 10-12 nhân kỷ niệm ngày mất của nhà sáng lập giải.

Như thường lệ, tháng 10 hàng năm là thời gian Ủy ban Nobel lựa chọn và công bố các giải thưởng; và ngày 10-12 sẽ diễn ra buổi lễ trao giải tại hai thủ đô Stockholm và Oslo.

* Nobel 2004

Năm nay, các giải thưởng được công bố từ ngày 4 đến 11-10, cụ thể Y học: 4-10; Vật lý: 5-10; Hóa học: 6-10, Văn chương: 7-10, Hòa bình: 8-10 và Kinh tế: 11-10. Trị giá mỗi giải thưởng là 1,36 triệu USD.

Giải thưởng Y học được trao cho hai nhà khoa học Mỹ là Richard Axel và Linda Buck với công trình nghiên cứu chức năng khứu giác của con người. Họ đã làm rõ hệ thống khứu giác từ cấp độ phân tử đến sự tổ chức các tế bào, qua đó đã phát hiện được một tổ hợp gen lớn của các thụ quan về mùi. Trường Đại học Karolinska (Thụy Điển) cho rằng họ xứng đáng với giải Nobel Y học vì từ trước đến nay, cảm nhận về mùi luôn là điều bí ẩn.

Còn giải Nobel Vật lý đã thuộc về 3 nhà khoa học Mỹ là David J.Gross, David Politzer và Frank Wilczek với công trình phát hiện và khảo sát về lực mạnh và hạt quark. Công trình này sẽ giúp khoa học tiến thêm một bước nữa đến với giấc mộng thiết lập một lý thuyết vạn năng.

Trong khi đó, giải thưởng Hóa học năm nay được trao cho công trình "khám phá sự phân rã protein nhờ vào phân tử trung gian ubiquitin" của hai nhà khoa học Israel Aaron Ciechanover, Avram Hershko và nhà khoa học Mỹ Irwin Rose. Công trình của 3 nhà khoa học trên giúp loài người nhận thức rõ hơn sự vận hành của các tế bào. Mục tiêu của công trình là giúp cơ thể người chọn lựa và phá hủy những protein không mong muốn để tự bảo vệ mình trước bệnh tật.

Nhà văn nữ người Áo Elfriede Jelinek đã nhận được giải Nobel văn chương vì những bứt phá theo chiều hướng nổi loạn trong các tác phẩm của bà. Bà đã mạnh dạn cởi bỏ tấm màn che phủ những điều lố lăng và sự chuyên quyền của các khuôn sáo xã hội. Ngoài ra, các tác phẩm của bà được thể hiện theo nhiều thể loại khi thì văn xuôi, khi thì thơ, vừa là những câu thánh ca, có cả những phân cảnh sân khấu và phim... Tất cả như lung linh, huyền ảo và đã chinh phục được bạn đọc. Ngoài giải Nobel, bà đã từng nhận rất nhiều giải thưởng văn học khác ở Áo và Đức.

Giải thưởng quan trọng nhất - Hòa bình - đã được trao cho nhà sinh thái học mà cũng đồng thời là thứ trưởng Bộ Môi trường Kenya, bà Wangari Maathai. Bà đoạt giải vì những đóng góp trong chiến dịch trồng 30 triệu cây xanh khắp châu lục này. Chính bà đã phát động phong trào Vành đai xanh năm 1977, quy tụ nhiều phụ nữ trồng rừng, và góp phần bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

Giải Nobel Kinh tế thuộc về nhà khoa học Nauy Finn E. Kydland và nhà kinh tế Mỹ Edward C. Prescott, nhờ các nghiên cứu về ảnh hưởng của nhân tố thời gian lên các chính sách kinh tế và về động lực của các chu trình kinh doanh. Công trình của họ đã tạo ra cơ sở cho những chương trình nghiên cứu rộng lớn sau này về tính tin cậy và khả thi của chính sách kinh tế.

* Những bất ngờ của giải

Điều đáng chú ý trong mùa giải năm nay là số lượng người Mỹ đoạt giải tăng cao chiếm 58% (7/12) trong tổng số người chiến thắng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học. Kế đến là giải thưởng Nobel Hòa bình được trao lần đầu tiên cho một phụ nữ châu Phi, trong khi hầu hết dự đoán đều dồn vào gương mặt sáng giá nhất giải, ông Mohamed ElBaradei, giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Còn giải Nobel Kinh tế lại rơi vào tay các nhà nghiên cứu kinh tế học vĩ mô, đây là điều rất hiếm gặp. Việc nữ nhà văn người Áo Elfriede Jelinek, sau khi vượt qua mặt tất cả các nhà văn nổi tiếng để đến với giải thưởng vinh dự này, không gây nhiều bất ngờ vì đã có nhiều dự đoán giải năm nay sẽ được trao cho một nữ văn sĩ. Nhưng việc bà đột ngột tuyên bố sẽ không đến nhận giải thưởng vì cảm thấy… không xứng đáng, vì lý do sức khỏe và vì mắc chứng "sợ xã hội" đã gây bất ngờ hơn cả.

Điều cuối cùng là các ứng cử viên "độc đáo", gồm Tổng thống Mỹ G.W.Bush, Thủ tướng Anh T.Blair và Thủ tướng Úc J.Howard - những người khởi xướng cuộc chiến chống Iraq, lại được đề cử cho giải thưởng... Hòa bình. Cuộc chiến này đã gây ra rất nhiều mất mát và ngày càng trở nên tệ hại hơn. Ngoài ra, những tranh cãi quanh nguyên nhân chính của cuộc chiến là có hay không vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq vẫn chưa ngã ngũ thì cơ may thắng giải của các ứng viên đặc biệt này chỉ là 1/1000 hay 1/500 theo dự đoán của một công ty cá cược có tiếng.

* Lễ trao giải

Ngày 10-12, hai thủ đô Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Nauy) sẽ tưng bừng diễn ra lễ trao giải. Trước đó, vào đầu tháng 12, tuần lễ Nobel sẽ là thời gian hứng thú và sôi nổi với các phát biểu và các bài diễn văn của những người thắng cuộc.

Tham dự buổi lễ sẽ có khoảng 1.300 người trong đó có 250 sinh viên. Tại buổi lễ sẽ có mặt các khách mời danh dự là Đức vua, Hoàng hậu cùng nhiều người trong hoàng gia Thụy Điển và Nauy; ngoài ra, còn có đại diện của chính phủ, nghị viện, những người thân của các ứng viên đoạt giải và khán giả.

. Ngọc Tú (tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Bánh tét VN" được công nhận kỷ lục Guinness thế giới  (15/10/2004)
Chuẩn bị trình chiếu phim về chất độc da cam trên thế giới  (15/10/2004)
Khánh thành tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế  (15/10/2004)
Mỹ dội bom ở thành phố Fallujah  (15/10/2004)
Lật xe buýt ở Philippines, 10 người chết  (15/10/2004)
Indonesia bị khói bao phủ dày đặc  (15/10/2004)
Vắc xin phòng bệnh sốt rét sẽ được đưa vào sử dụng năm 2010  (15/10/2004)
19 kỹ sư Việt Nam được nhận chứng chỉ kỹ sư ASEAN  (15/10/2004)
Kết thúc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp  (15/10/2004)
Người Anh sợ nhện hơn sợ khủng bố   (14/10/2004)
Hoàng tử Sihamoni sẽ kế vị ngai vàng   (14/10/2004)
Doanh nhân Việt Nam ủng hộ gần 10 tỉ đồng cho Quỹ hoạt động xã hội và từ thiện   (14/10/2004)
Phiên tòa dioxin sẽ bắt đầu ngày 13-1-2005   (14/10/2004)
Tưng bừng lễ hội Ka Tê và Ramưwan   (14/10/2004)
Hà Nội: Xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam   (14/10/2004)