Trong văn bản được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 20-11 (vừa được công bố chiều 23-11), toàn bộ "Mục X - Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã được loại bỏ.
Mục này nằm từ trang 206 đến 215 trong "Phần B" của Luật phân bổ ngân sách tổng hợp tài khóa 2005.
Trước ngày luật này được đưa ra Quốc hội thông qua, một số điều khoản của "Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã được chuyển thành "Mục X" trong "Luật phân bổ ngân sách tài khóa 2005 cho các bộ Thương mại, Tư pháp, Ngoại giao, Tòa án và các cơ quan liên quan", mang mã số HR.4754. HR.4754 sau đó trở thành "Phần B" của HR-4818, mà vẫn thường được gọi là Luật Omnibus.
Như vậy "Luật Nhân quyền Việt Nam 2004" đã chính thức bị "chết". Nếu "Luật Nhân quyền Việt Nam" được các nghị sĩ Mỹ đăng ký lại ở Quốc hội khóa tới, thì nó phải bắt đầu tiến trình pháp lý lại từ đầu.
Cho đến nay, các phiên bản của Dự luật Nhân quyền Việt Nam đã được thông qua trước Hạ viện ba lần, vào các năm 2001, 2003 và 2004 nhưng chưa bao giờ được Thượng viện thông qua. Sự phản đối mạnh mẽ của phía Việt Nam, của các tổ chức Mỹ, các cựu chiến binh Mỹ và nhiều người dân Mỹ khác đã khiến các vị dân biểu Mỹ không thể bỏ qua thực tế ở Việt Nam hiện nay - một Việt Nam đang có vị thế ngày càng vững chắc hơn trong tiến trình hội nhập quốc tế, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.
Bình luận về việc dự luật bị bác bỏ lần thứ ba trước Quốc hội Mỹ, ông Andrew Wells - Dang, đại diện Quỹ Phát triển và Hòa giải, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động tại Việt Nam, nhận xét: "Đây là thắng lợi cho những người phản đối dự luật này, từ Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ, các cơ quan giáo dục và các tổ chức phi chính phủ. Phần lớn các tổ chức Mỹ hoạt động tại Việt Nam phản đối dự luật, bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng: 1. Dự luật đưa ra bức tranh quá tiêu cực về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; 2. Dự luật sử dụng những ngôn ngữ thù địch và phản tác dụng; 3. Dự luật sẽ không làm được gì trong việc cải thiện tình hình nhân quyền, thay vào đó lại trừng phạt chính phủ và người dân Việt Nam vì những vi phạm mà họ bị cáo buộc; 4. Có thể khiến cho hoạt động của các tổ chức Mỹ như chúng tôi ở đây khó khăn hơn".
Cách đây bốn tháng, trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật này, ông Pete Peterson, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh, một người rất am hiểu tình hình Việt Nam, đã gửi bức thư đề ngày 18-7 tới các hạ nghị sĩ Mỹ, trong đó ông viết: "Trong thời gian làm Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, nhân quyền luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tôi và tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng, mười năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cải thiện quyền tự do cá nhân, khoan dung tôn giáo và tuân thủ những tiêu chuẩn chung của quốc tế về nhân quyền".
. Nhân Dân |