Kết thúc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) chiều 2-12, cộng đồng quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam 3,441 tỷ USD trong năm 2005, tăng trên 600 triệu USD so với mức cam kết năm ngoái.
Trong số cam kết tăng lên này, 170 triệu USD do thay đổi tỷ giá hối đoái so với năm trước, các tổ chức phi chính phủ cam kết tăng 100 triệu USD, còn lại là số tăng của Chính phủ Pháp, Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng đây là tin vui đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, thành công không chỉ ở con số đó, mà kết quả thảo luận đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ cho những chính sách của Việt Nam, điều này khích lệ rất lớn để Chính phủ Việt Nam tiếp tục con đường đổi mới. Bên cạnh đó, hiệu quả phát triển kinh tế, chống tham nhũng tiêu cực, xóa đói giảm nghèo là những vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị CG cũng trùng hợp với những nội dung được Quốc hội thảo luận trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Điều này thể hiện mong muốn cộng tác lâu dài giữa Chính phủ và cộng đồng quốc tế như những đối tác thân thiết.
Sau hai ngày làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland đều khẳng định rằng Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ đã đạt được tiếng nói đồng thuận về các vấn đề đánh giá thành tựu-thách thức của kinh tế xã hội Việt Nam, về những kế hoạch và biện pháp thực hiện kế hoạch cho những năm tiếp theo.
Hai bên đã nhìn nhận thẳng thắn và khách quan về những vấn đề đang còn tồn tại mà Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới là chất lượng tăng trưởng, tiếp tục cải cách kinh tế, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật và một số vấn đề xã hội.
Đưa ra con số nợ nước ngoài của Việt Nam đến cuối năm 2003 là trên 13 tỷ USD, đại diện phái đoàn Quỹ Tiện tệ Quốc tế (IMF) Shogo Ishii bình luận rằng đây là con số hợp lý, không cao đối với một nước đang phát triển và khẳng định IMF không quan ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam.
Cũng về vấn đề này, ông Klaus Rohland cho rằng nợ nước ngoài chiếm dưới 10% xuất khẩu là chấp nhận được, trong đó chủ yếu là lãi suất thấp, thời hạn trả nợ dài, vì vậy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trả nợ.
. TTXVN |