Theo Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh cho 16 tỉnh có con đường đi qua là 119.902 tỷ đồng (giai đoạn 2004-2010).
Dự thảo lần thứ 1 Quy hoạch phát triển công nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp báo cáo Bộ công nghiệp để lấy ý kiến chiều 7-12.
Theo dự thảo, phát triển công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh trên cơ sở những chính sách ưu đãi của Chính phủ như thủy điện, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng khu vực.
Một số cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn từng bước được xây dựng làm động lực phát triển như tổ hợp bôxit-alumin Đắc Nông, các nhà máy xi măng lớn ở Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Phước và các nhà máy thủy điện.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề nghị chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhân rộng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa các dân tộc; đặc biệt ở những khu vực giao cắt với các tuyến hành lang Đông Tây để giải quyết việc làm cho nhân dân dọc tuyến, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Cũng theo dự thảo, các tỉnh dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ từng bước hình thành và hoàn thiện các vùng nguyên liệu cây công nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến như cao su, cà phê, chè, mía đường, bông, cây nguyên liệu giấy và quy hoạch các cụm dân cư dọc tuyến.
Dự tính đến năm 2010, trên địa bàn 74 huyện thuộc 16 tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua sẽ có 30 khu công nghiệp (KCN); trong đó có 13 KCN được xây dựng mới và 105 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 8.894 ha. Với hướng này, đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của 16 tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua sẽ tăng từ 15-17%/năm (giai đoạn 2006-2010) và 13-15%/năm (giai đoạn 2011-2020), tạo thêm việc làm cho gần 260.000 lao động so với năm 2003, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các tỉnh này.
. TTXVN |