Ngày 15-12 là hạn chót các đảng phái tại Iraq đăng ký các ứng cử viên và cũng là ngày đầu tiên các nhà chính trị có thể quảng bá về mình, bắt đầu cho mùa vận động tranh cử, bất chấp tình trạng bạo lực hiện nay.
Các ứng viên thuộc nhiều sắc tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị khác nhau, đã nộp danh sách ứng viên của mình tranh cử cho 275 chiếc ghế trong quốc hội. Những người thắng cử sẽ chịu trách nhiệm soạn Hiến pháp của Iraq và mở đường cho cuộc bầu cử khác vào cuối năm 2005.
Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra lo ngại trước tình hình bất ổn trong nước hiện nay. Các vụ đánh bom, bắt cóc, chặt đầu đang là cản trở lớn nhất; nhiều ứng viên đã bị giết và nhiều đảng phải giữ bí mật danh sách đến phút cuối.
Một lo ngại khác là cuộc khủng hoảng nguồn điện tại Iraq sẽ gây khó khăn cho việc các ứng viên xuất hiện trên truyền hình để vận động cử tri. Rồi các cử tri rất có thể sẽ phải đối mặt với bạo lực tại 9.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Việc chiến dịch vận động tranh cử diễn ra như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn. Các nhà chính trị đang nghi ngờ Mỹ rót tiền giúp một số đảng như đảng của Thủ tướng Allawi. Nhiều ứng viên tố cáo các đảng nhận sự hậu thuẫn của các nước Ả rập. Và cả việc Iran đang cố gắng gây ảnh hưởng của mình đến cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, các chính trị gia và cử tri cũng bày tỏ những dấu hiệu lạc quan về cuộc bầu cử đa đảng lần đầu tiên tổ chức tại Iraq trong nửa thế kỷ qua vì theo họ: "Đây là cơ hội để chúng tôi tạo dựng tương lai"; còn một cố vấn của đảng Phong trào công dân và quan chức Iraq tự do, cho biết: "Hoạt động này là hoàn toàn dân chủ, giúp chúng tôi chứng tỏ tình cảm của mình dành cho người dân Iraq".
Theo luật bầu cử, cử tri sẽ bầu theo danh sách, chứ không theo đảng hoặc ứng viên. Các ghế được chia tùy vào số phiếu mỗi danh sách nhận được.
. Ngọc Tú (theo AFP) |