Theo ông Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, quyết định cuối cùng của Tòa án Mỹ là Luật sư hai bên sẽ bắt đầu tranh tụng trước Tòa vào hồi 11 giờ ngày 28-2-2005.
Tại Hội nghị kiểm điểm công tác sau 1 năm thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được tổ chức sáng 28-12, đã nêu rõ: Hội đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, như: tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam về tinh thần cũng như vật chất; bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam; thay mặt nạn nhân chất độc da cam tham gia diễn đàn quốc tế để bảo vệ quyền lợi cho họ... Đặc biệt, ngày 30-1-2004, Hội cùng với nạn nhân chất độc da cam đứng nguyên đơn khởi kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hóa chất độc cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của nhân dân cả nước, Hội và các nạn nhân đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè thế giới: Hội hữu nghị Anh-Việt, Pháp-Việt, Thụy Sĩ-Việt Nam, Hội Luật gia Dân chủ Thế giới... đã ủng hộ tiền và lên tiếng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt đã thành lập trang web (www.petiononline.com/AOVN) kêu gọi mọi người trên thế giới ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; truyền hình các nước Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Astralia, New Zealand đã đến Việt Nam làm phim về nạn nhân chất độc da cam... Tính đến cuối tháng 11-2004, có hơn 9.322.900 chữ ký gửi về Trung ương Hội, gần 3 tỷ đồng tiền quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải trên 80 triệu lít hóa chất độc (trong đó 61% là chất độc da cam) và gần 400 kg dioxin. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam.
. VOV news |