Đó là cảnh báo của các chuyên gia y tế LHQ trước hiện trạng của các nước chịu thiệt hại sau sóng thần. Đói khát, ốm đau, bệnh tật sẽ khủng khiếp như những đợt sóng cao hơn 10 mét trong 3 ngày trước.
Dù cả thế giới đang hướng về các nước sau thảm họa, nhưng xem ra vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Thực phẩm và thuốc men đang thiếu trầm trọng tại nhiều nơi. Một quan chức của thành phố Meulaboh (Indonesia), một trong những thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất với ¾ thành phố bị quét sạch, đang kêu gọi sự cứu trợ và cho biết trong vòng 3 đến 4 ngày tới nếu đội cứu hộ không đến kịp, sẽ có hàng loạt người chết đói.
Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề lớn tại các nước này. Nhiều ngôi mộ tập thể với hàng chục người được chôn chung, nhưng vẫn còn rất nhiều xác chết thối rữa nằm trên các đường phố. Tại Aceh (Indonesia), mùi hôi thối nồng nặc bao trùm khắp nơi khi chôn cất những xác chết dưới trời nắng nóng.
Trưởng đoàn cứu trợ của LHQ kêu gọi một hoạt động cứu trợ lớn nhất trong lịch sử. Hiện họ cần gấp 44 triệu USD cho công việc trước mắt, còn về lâu dài, Ngoại trưởng Mỹ cho biết phải cần đến vài tỉ USD.
Toàn thế giới đang chung sức cứu giúp và khắc phục hậu quả tại các nước bị sóng thần. Mỹ, Úc, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ và nhiều nước khác đã gởi máy bay chở nhân viên và đồ cứu trợ trị giá gần 100 triệu USD.
Con số người chết tại các nước châu Á đã lên đến 60.000 người, trong đó theo UNICEF, 1/3 là trẻ em. Tuy nhiên, con số trên sẽ còn tăng cao hơn trong các báo cáo sắp tới. Một nhân viên cứu hộ của Ý ước đoán có thể có đến 100.000 người thiệt mạng. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, thiệt hại sau thảm họa này hiện đã lên đến hơn 13 tỉ USD.
. Ngọc Tú (theo AFP/Reuters) |