Ngày 17-2, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6-0, sơ bộ khẳng định ngành đánh bắt tôm của Mỹ bị thiệt hại do tôm nhập khẩu từ sáu nước Brazil, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Đây là phán quyết đã được luật sư của cả nguyên đơn và bị đơn dự kiến. Như vậy, vụ kiện do Liên minh tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) chủ xướng chống tôm nhập khẩu sẽ được tiếp tục. Ngày 1-3, USITC sẽ trình ý kiến của ủy ban này lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC), từ đó DOC sẽ điều tra và kết luận liệu các nước xuất khẩu có "bán phá giá tôm" vào thị trường Mỹ hay không. Dự kiến vào ngày 8-6, Vụ Thương mại quốc tế thuộc DOC sẽ có phán quyết sơ bộ về vụ này.
Theo các chuyên gia, sau phán quyết của USITC, phía Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang cân nhắc mức thuế đối với từng nước xuất khẩu tôm. Đơn kiện của SSA đòi hỏi áp đặt thuế nhập khẩu tùy theo từng sản phẩm và từng quốc gia cụ thể, trong đó mức thuế được đề nghị với Thái Lan là 58%, Trung Quốc 264%, Việt Nam 93%, Ấn Độ 110%, Brazil 349% và Ecuador 166%.
Đây là quyết định mới nhất của phía Mỹ trong một vụ kiện sai trái, không công bằng ngay từ đầu. Thực tế, sản xuất tôm tại nước Mỹ hoàn toàn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; lượng tôm và giá tôm 6 nước bị kiện xuất sang Mỹ không ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh tôm ở Mỹ. Theo số liệu nêu trong văn bản do USITC gửi lên DOC, lượng tôm mà sáu nước bị kiện xuất vào thị trường Mỹ năm 2003 vào khoảng 295 triệu kg, trị giá hơn 2,4 tỷ USD, chiếm 86,7% thị trường tiêu thụ tôm tại Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2003, giá trị tôm nhập khẩu từ Bra-xin vào Mỹ là 86 triệu USD, từ Trung Quốc 254 triệu USD, từ Ecuador 171 triệu USD, từ Ấn Độ 298 triệu USD, từ Thái Lan 631 triệu USD và từ Việt Nam 418 triệu USD. Nhiều chuyên gia phân tích rằng tôm nhập khẩu mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, tạo ra khoảng 100.000 việc làm trong khu vực chế biến ở nước này, hàng năm ước tính tạo thêm hơn 2 tỉ USD thu nhập cho các nhà kinh doanh bán lẻ và các nhà hàng trên khắp nước Mỹ. Các nhà xuất khẩu tôm vào Mỹ vạch rõ vụ kiện do SSA cầm đầu chống tôm nhập khẩu là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và sự phân biệt đối xử trong thương mại.
. TTXVN
|