Ngày 17-2, Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Ha-i-ti và cho biết LHQ đang phối hợp với Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM) và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) để xem xét khả năng giúp lập lại trật tự ở nước này.
Cùng ngày, Thủ tướng Ha-i-ti I-vôn Nép-tuyn kêu gọi cộng đồng quốc tế và thủ tướng các nước trong khu vực hỗ trợ trấn áp cuộc nổi dậy của lực lượng chống đối đòi Tổng thống Béc-tơ-răng A-ri-xtít từ chức. Tuy nhiên, mới chỉ có một số nước tỏ ý sẵn sàng hưởng ứng đề nghị này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Đô-mi-ních Đờ Vi-lơ-panh cho biết Pháp đang xem xét khả năng triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ha-i-ti nhưng trước mắt sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho nước này trong khuôn khổ của LHQ. Ca-na-đa cho biết có thể gửi 100 sĩ quan cảnh sát đến Ha-i-ti nhưng chỉ sau khi chính phủ và lực lượng nổi dậy tìm được giải pháp cải thiện tình hình.
Mặc dù ủng hộ một giải pháp chính trị thông qua đàm phán giữa các bên, song Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen cho rằng lực lượng cảnh sát hoặc quân đội nước ngoài chưa cần thiết có mặt ở Ha-i-ti vào thời điểm này. Đại sứ Mỹ tại Ha-i-ti Giêm Phô-lây tuyên bố Mỹ sẽ không thừa nhận bất kỳ chính phủ nào ở Ha-i-ti lên nắm quyền bằng vũ lực. Người phát ngôn Nhà Trắng Xcốt Mắc Clê-lan kêu gọi Tổng thống Ha-i-ti thực hiện các biện pháp cần thiết để thay đổi cách thức điều hành đất nước và ổn định tình hình an ninh.
Ha-i-ti rơi vào khủng hoảng từ ngày 5-2 khi lực lượng chống đối chiếm 7 thành phố và thị trấn, đồng thời tiến hành nhiều cuộc biểu tình đòi Tổng thống A-ri-xtít từ chức. Các vụ bạo lực liên tiếp xảy ra làm ít nhất 55 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Ngày 16-2, lực lượng chống đối ở Ha-i-ti lại chiếm thêm thị trấn quan trọng Hin-chê, cách thủ đô Poóc-tơ Pranh-xơ 130 km về phía Đông Bắc. Các nhà phân tích lo ngại rằng xung đột ở Ha-i-ti sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
. TTXVN
|