Trong cuộc họp báo chiều 25-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẳng định: Có 3 thắng lợi có thể nhắc đến trong chiến dịch chống lại đại dịch cúm gia cầm là: Dịch đã cơ bản được đẩy lùi; việc công bố quy trình chế biến gia cầm trong vùng an toàn đã đem lại hy vọng lớn cho người chăn nuôi; các biện pháp kiên quyết kịp thời trong chỉ đạo chống dịch cúm có thể đưa lại kết quả như kế hoạch đề ra, cơ bản thanh toán được dịch cúm trong tháng 2 và cố gắng triển khai công tác tái sản xuất đàn gia cầm tháng 3-2004.
Trong chiều 25-2, Cục Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cùng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cũng ra bàn thảo xây dựng một số chính sách hỗ trợ nhằm bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăn nuôi gia cầm sau dịch cúm để trình Thủ tướng phê duyệt. Theo ước tính của Cục Nông nghiệp, tổng thiệt hại về chăn nuôi do dịch cúm gia cầm gây ra lên đến 3.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi sẽ nhằm vào 2 lĩnh vực: hỗ trợ các đơn vị chăn nuôi giống gia cầm gốc và hỗ trợ tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm giống bố mẹ, gia cầm tương phẩm.
Để khôi phục đàn gia cầm gốc, các chuyên gia Cục Nông nghiệp kiến nghị: ngoài kinh phí hỗ trợ giống gốc hằng năm, Nhà nước hỗ trợ thêm 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn trong 2 tháng; hỗ trợ 100% kinh phí xét nghiệm virus cúm gia cầm cho đàn giống trong thời gian có dịch; cấp 100% kinh phí mua thuốc sát trùng tiêu độc và kinh phí mua trang thiết bị phòng hộ bổ sung trong thời gian có dịch. Các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do đàn gia cầm bị giảm số lượng hoặc bị tiêu hủy; các ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ gia hạn vốn vay cùng nhiều khoản hỗ trợ khác tạo điều kiện cho người dân tiếp tục khôi phục sản xuất với tinh thần hăng hái nhất cũng đang được bàn định. Tờ trình này dự kiến sẽ được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng trong tháng 2, để trong tháng 3, hoạt động khôi phục sản xuất sẽ được tiến hành thuận lợi.
. Tiền Phong |