Ông Lê Lộc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho biết, ngành đóng tàu đã được quy hoạch phát triển theo các cụm công nghiệp trọng điểm Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM.
Cụm công nghiệp Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ là trung tâm đóng tàu mới và sản xuất động cơ thiết bị tàu thủy. Ngoài các doanh nghiệp nòng cốt là Bạch Đằng, Hạ Long, Phà Rừng, tổng công ty đang đầu tư xây dựng các nhà máy vệ tinh để sản xuất nguyên liệu phục vụ như nhà máy cán thép nóng, thép tấm công suất 350.000 tấn/năm, nhà máy điện 60MW tại khu công nghiệp Cái Lân, sản xuất phụ kiện tại khu công nghiệp An Hồng.
Cụm công nghiệp miền Trung hiện có nhà máy tàu biển Huyndai - Vinashin, có thể đóng tàu cỡ 100.000 tấn và sửa chữa các tàu đến 400.000 tấn. Sắp tới, tại đây, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy xây dựng thêm khu liên hợp đóng tàu Dung Quất để đóng mới tàu đến 150.000 tấn; Nhà máy tàu biển Đà Nẵng, sẽ đóng tàu tới 100.000 tấn, tàu khách du lịch.
Cụm công nghiệp TP HCM - Vũng Tàu sẽ sửa chữa, đóng mới tàu đến 1.500 tấn, tàu sông, tàu cá, tàu tuần tra. Trước mắt, các doanh nghiệp tại đây sẽ tập trung đóng các loại tàu đánh bắt xa bờ bằng vật liệu composit và thép, gỗ công suất 50 CV đến 750 CV; tàu hàng 6.500 tấn đến 75.000 tấn; tàu container sức chứa 1000 TEU đến 3000 TEU; và tàu chờ dầu thô 100.000 tấn.
Theo định hướng của ngành công nghiệp tàu thủy, từ nay đến năm 2005, các doanh nghiệp trong nước sẽ có thể đóng tàu mới 100.000 tấn, sửa chữa tàu 400.000 tấn. Ngoài ra, chế tạo thép đóng tàu, động cơ... để nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt 40%, xuất khẩu ước đạt 26% tổng sản lượng.
. VnExpress
|