Sau một thời gian tạm hoãn chạy thử do sân bay Phước Long (tỉnh Bình Phước) chưa chuẩn bị kịp mặt bằng, ngày 28-3, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành dự án chế tạo VAM 1 (Vietnamese Association of Mechanics) đã tổ chức thử nghiệm trên mặt đất các thông số kỹ thuật của máy bay siêu nhẹ VAM 1.
Chiếc máy bay (loại dùng cánh quạt, hai chỗ ngồi, thân dài 6,3m, sải cánh 9,7m) đã được tháo rời, đóng vào container, kéo từ TP Hồ Chí Minh lên Bình Phước từ ngày 27-3 sau đó lắp ráp lại để chạy thử.
Từ sáng sớm ngày 28-3, bộ phận kỹ thuật đã tích cực kiểm tra cẩn thận từng chi tiết nhỏ của máy bay. Mục đích của cuộc thử nghiệm là cho máy bay chạy thử vận tốc bằng 20% vận tốc cất cánh (khoảng 16 km/giờ), kiểm tra bộ phận làm lạnh động cơ, bộ phận hãm, quay trái 90o... Cuộc thử nghiệm được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 chủ yếu kiểm tra các chi tiết kỹ thuật.
Lúc 8 giờ 30, chiếc VAM 1 được đưa ra đường băng. 8 giờ 35, phi công Phạm Duy Long - người được Hội Cơ học Việt Nam cử sang Canada học lái loại máy bay này - bật công tắc khởi động chiếc máy bay, ngồi sau Phạm Duy Long còn có ông Nguyễn Văn Thể (Công ty Dịch vụ bay Việt Nam - VASCO).
Máy bay chạy được khoảng 100m, bắt đầu dừng lại cho quay trái, quay phải, quay vòng 360o. Tiếp đó, từng đợt bốn người, năm người, sáu người đứng trước đầu máy bay ghì chặt lại, trong khi động cơ máy bay được nổ lớn nhằm thử tải, xem lực cản... Đến 9 giờ 05 việc thử nghiệm giai đoạn 1 kết thúc.
Ông Vimar Nguyễn (Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, một thành viên trong dự án VAM 1) cho biết, cuộc thử nghiệm bước 1 đã đạt yêu cầu, nhiệt độ động cơ, nhiệt độ ống xả đo được đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ có một trục trặc nhỏ là trước khi xuất phát, phần đệm của bánh xe được tháo ra (cho nhẹ bớt máy bay), nhưng do chất lượng đường băng quá xấu, gồ ghề nên khi chạy máy bay bị đảo.
Giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm bắt đầu với việc cho máy bay chạy thẳng ở các tốc độ khác nhau (16 km/giờ, 24 km/giờ, 32 km/giờ,...) trên đường băng. Đặc biệt quan trọng nhất là lúc máy bay được cho chạy ở tốc độ cao nhất và được dừng ở mức có thể cất cánh được...
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Đạo, Trưởng ban Chỉ đạo dự án VAM 1 cho biết, cuộc thử nghiệm đã thành công, các số liệu và thông số kỹ thuật thu nhận được sẽ được dùng làm cơ sở để báo cáo lên Chính phủ, chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của máy bay siêu nhẹ tại Việt Nam.
. Thanh Niên |