Bác bỏ sự xuyên tạc về tình hình Tây Nguyên
17:2', 28/4/ 2004 (GMT+7)

Đó là ý kiến chung của các ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc và ông Nguyễn Vĩ Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khi tiếp xúc và trả lời phỏng vấn của các phóng viên các hãng Thông tấn: Reuter, AP và Tân Hoa xã đến làm việc với tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, nhằm tìm hiểu về vụ gây rối ngày 10-4 của một số nhóm người dân tộc thiểu số.

Nhờ chuyển dịch đúng hướng, kinh tế Tây Nguyên  tăng trưởng ổn định (VOV)

Trao đổi với các phóng viên, ông Lạng lấy làm tiếc là vừa qua một số báo chí và hãng thông tấn nước ngoài đã tung tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật về tình hình trật tự an ninh trên địa bàn Đắc Lắc và Tây Nguyên. Ngày 9-4, thông tin trên trang web của cái gọi là "Quỹ người Thượng" do Ksor Kok cầm đầu đã tung tin bịa đặt là có 150.000 người dân tộc thiểu số kéo lên TP Buôn Ma Thuột biểu tình một cách hòa bình. Ksor Kok còn lừa dối các cơ quan báo chí nước ngoài tuyên truyền xuyên tạc và vu khống một cách bỉ ổi về tình hình an ninh ở địa phương. Sau khi xảy ra vụ gây rối, một số tờ báo nước ngoài còn đưa tin bịa đặt rằng: Lực lượng cảnh sát đã đàn áp dã man làm chết 400 con chiên trong ngày lễ Phục sinh. Nhưng thực tế trong ngày lễ Phục sinh vừa qua, số người đến nhà thờ đông nhất và vui nhất kể từ trước tới nay.

Ông Lạng cho biết thêm: Do một số phần tử quá khích đã lôi kéo một số người dân tộc Êđê kém hiểu biết của các huyện Krông Ana, Cư M’ga và TP Buôn Ma Thuột gây mất trật tự công cộng. Bọn chúng còn dụ dỗ, lừa phỉnh bà con kéo nhau lên TP Buôn Ma Thuột mỗi người sẽ được phát 500.000 đồng, được chia đất, chia nhà. Gia đình nào đi đông người được chia nhà to, nhà ngoài mặt đường. Bà con còn được người của Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế đón tiếp long trọng. Sau đó, bà con sẽ được máy bay của nước ngoài chở đi Mỹ. Bọn xấu còn đe dọa: Ai không đi cùng họ lên Buôn Ma Thuột, sau này không cho đến nhà thờ cầu nguyện, không được sinh hoạt cùng cộng đồng. Ai không đi theo bọn chúng, ở lại buôn sẽ bị người Kinh đốt nhà và đánh đập. Điều đáng nói là: Những người đi gây rối chở gạch đá đầy xe công nông cùng các loại hung khí như gậy có đinh đóng ở đầu, ná cao su bắn bi sắt, dao rựa... Trên đường đi, những nhóm thanh niên uống rượu, bia và có nhiều hành động quá khích. Những kẻ quá khích đã đập phá, cướp bóc tài sản của dân ở các quán hai bên đường và chợ, phá hoại tài sản công cộng phúc lợi, chống người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông. Số người gây rối này đã sử dụng các loại hung khí tấn công các nhân viên bảo vệ, những người làm công tác giữ gìn trật tự và những người dân thường đi trên đường... Sau vụ gây rối xảy ra, lực lượng cảnh sát đã ngăn chặn và giải thích cho bà con hiểu sự việc đến 11 giờ trưa vụ lộn xộn đã được dẹp xong. Chính quyền địa phương đã đưa ô tô chở bà con về buôn làng.

Ông Lạng còn cho biết, thời gian hoạt động gây rối của những nhóm người này gần trùng khớp với thời gian mà đoàn viên chức chính trị Đại sứ quán và Tổng Lãnh sứ quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh có kế hoạch đến Đắc Lắc ngày 9-4. Cũng trong khoảng thời gian này, tổ chức UNICEF của Liên hợp quốc và đoàn chuyên gia người Anh cũng có kế hoạch đến làm việc tại Đắc Lắc. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt từ trước với sự đạo diễn của một kẻ nào đó? Tại sao bà con dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc biết trước là trong khoảng thời gian đó có các quan chức người nước ngoài đến làm việc? Đó là những biểu hiện làm nhiều người phải suy nghĩ.

Điều đáng mừng là đến nay, những người tham gia vụ gây rối vừa qua đã hiểu được việc làm sai trái của mình, họ đã ân hận về hành vi sai trái của mình và hứa với chính quyền địa phương sẽ sửa chữa và không tái phạm. Hiện nay, nhiều người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã phê phán việc làm sai trái của bọn xấu và cương quyết đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc sự thật để chống phá chính quyền địa phương.

Bà con đã cực lực phê phán ý đồ xấu của Ksor Kok và bè lũ nhằm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc và mưu đồ ly khai vùng Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam. Cũng tại cuộc làm việc này, ông Lạng đã chiếu băng video về cảnh gây rối, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ; đưa ra một băng rôn viết chữ Anh với nội dung đòi thành lập nước Đê Ga độc lập, gọi Ksor Kok là tổng thống của nhà nước Đê Ga, đòi đuổi người Kinh ra khỏi Tây Nguyên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng AP về quy mô của vụ gây rối và số người bị thương trong vụ này, ông Lạng nói, số người tham gia tụ tập ở cả 3 huyện Krông Ana, Cư M’ga và Buôn Ma Thuột ít hơn nhiều so với số liệu mà báo chí nước ngoài nêu ra. Riêng về số người bị thương cũng chỉ con số vài chục, trong đó công an bị 16 người, dân thường đi đường bị thương 5 người. Số người đi gây rối có khoảng hơn 10 người bị thương do lật xe công nông và bọn họ ném đá trúng vào nhau. Tất cả những người bị thương đã được đưa vào cơ sở y tế điều trị chu đáo. Hiện nay, tất cả những người này đều xuất viện.

Trả lời cái gọi là "cắt chuyến bay và cấm người nước ngoài lên Đắc Lắc..." của phóng viên Hãng Reuter, ông Lạng cho biết: Việc sắp xếp chuyến bay của Hãng Hàng không Việt Nam là do việc tính toán kinh doanh của họ; đồng thời việc người nước ngoài lên Buôn Ma Thuột từ sau ngày 10-4 đến nay vẫn bình thường. Trong thời gian qua khách nước ngoài vẫn thường xuyên đến Đắc Lắc và Tây Nguyên. Về việc giải quyết vụ việc, tỉnh Đắc Lắc chỉ đưa ra lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giữ gìn trật tự công cộng mà không dùng đến lực lượng tự vệ và dân quân, chứng tỏ sự việc không đến nỗi phức tạp như báo chí nước ngoài phản ánh.

Phóng viên AP cho rằng: Có phải đường hàng không bị cắt để sử dụng đưa 500 người thuộc lực lượng quân đội lên Buôn Ma Thuột giữ gìn an ninh? Ông Lạng cho biết: Sân bay Buôn Ma Thuột chỉ dùng cho loại máy bay ART72 chở được 68 khách, không thể đưa một lúc hàng trăm người lên một lúc, nên sự việc đó hoàn toàn không có.

Phóng viên Tân Hoa xã hỏi: Tổ chức FULRO do Ksor Kok cầm đầu có phải là tổ chức khủng bố hay không? Tổ chức này có chi nhánh hoạt động ở Tây Nguyên không? Ông Lạng trả lời, sau khi tổ chức FULRO tan rã, chỉ còn khoảng 300 tên sang Campuchia, sau đó được Liên hợp quốc đưa ra nước ngoài. Sau một thời gian, bọn này được các thế lực phản động nước ngoài nâng đỡ đã hoạt động trở lại. Chúng là một tổ chức khủng bố và tổ chức hoạt động bất hợp pháp.

Sau cuộc gặp, đoàn phóng viên nước ngoài đã đến tận nơi tìm hiểu về việc một số người bị thương đã được điều trị ở một cơ sở y tế của tỉnh. Ngày 28-4, đoàn phóng viên nước ngoài đến một số địa bàn vừa qua có số người tụ tập gây rối để gặp dân và nắm thêm tình hình.

. TTXVN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Syria: Tòa nhà Liên hiệp quốc, đại sứ quán Canada, Anh bị tấn công   (28/04/2004)
Bạo lực ở Thái Lan làm gần 100 người thiệt mạng   (28/04/2004)
United Airlines mở đường bay hằng ngày Mỹ - Việt Nam   (28/04/2004)
Iraq: Xung đột lại diễn ra tại thành phố Fallujah  (28/04/2004)
Điện Biên Phủ dưới mắt các nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế: Lòng quyết tâm của cả một dân tộc  (28/04/2004)
Giỗ Tổ Hùng Vương  (28/04/2004)
Mỹ công bố loại tiền 50 USD mới  (27/04/2004)
Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ xin từ chức  (27/04/2004)
Nhóm bắt cóc tại Iraq đe dọa giết chết các con tin người Italia  (27/04/2004)
Jodan phá vỡ một âm mưu khủng bố bằng vũ khí hóa học của al Qaeda  (27/04/2004)
Một cô gái Việt Nam được công nhận là sinh viên tiêu biểu tại Mỹ   (26/04/2004)
Mỹ "gợi ý" Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Afghanistan   (26/04/2004)
Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức công phu, hoành tráng  (26/04/2004)
Chuyến du lịch Trường Sa kết thúc thành công   (26/04/2004)
Xung đột tôn giáo ở Indonesia, 10 người thiệt mạng   (26/04/2004)