Lãnh đạo các nước thuộc khối Ảrập ngày 15-4 lên án sự thay đổi trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ, coi đó là bước khuấy động bạo lực. Liên minh châu Âu lên tiếng e ngại rằng các đường biên giới ở Trung Đông có thể bị đơn phương thay đổi.
Trong bước thay đổi chính sách đã tồn tại hàng chục năm qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ Isarel giữ những vùng đất nước này chiếm được ở Bờ Tây trong cuộc chiến 1967, và bác bỏ quyền trở về của những người Palestine, về những vùng đất mà nay là Israel.
Lãnh đạo các nước Ảrập tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào mang tính áp đặt với người Palestine và không phải là một phần trong lộ trình hòa bình đều sẽ thất bại.
Chủ tịch Palestine Yasser Arafat tỏ thái độ giận dữ trước thay đổi chính sách của Mỹ. Ông khẳng định rằng "sứ mệnh của chúng tôi là bảo vệ đất nước và các thánh địa, bảo vệ quyền tự do và độc lập, quyền trở về của người tị nạn".
Tổng thống Libăng Emile Lahoud bình luận rằng chính sách của ông Bush là nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các nước Ảrập đòi tổ chức một phiên họp của Đại hội đồng LHQ, ra nghị quyết "khẳng định tính phi pháp của quan điểm của Mỹ".
Tại Damascus, một quan chức Syria nhận xét quan điểm của tổng thống Mỹ không giúp gì cho hòa bình, ổn định hay lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, mà chỉ "đóng mọi cánh cửa dẫn đến lộ trình hòa bình".
Liên minh châu Âu, một trong 4 bên bảo trợ tiến trình hòa bình, tránh chỉ trích trực tiếp tổng thống Bush. Tuy nhiên, EU cho rằng bất kỳ thay đổi nào về đường biên giới phải được sự chấp thuận của người Palestine, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải tính đến một giải pháp công bằng và hợp lý cho những người tị nạn.
"Liên minh châu Âu sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với các đường biên trước 1967 của Israel, theo thỏa thuận giữa các bên", ngoại trưởng Brian Cowen của Ireland, nước chủ tịch liên minh, phát biểu.
Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố rằng những bước đi như vậy là sai lầm và tạo tiền lệ nguy hiểm.
. VnExpress
|