Việt Nam bác bỏ những thông tin kích động, bịa đặt liên quan đến tình hình ở một vài địa phương Tây Nguyên vừa qua
10:33', 20/4/ 2004 (GMT+7)

Chính phủ Việt Nam luôn dành cho người dân Tây Nguyên những chính sách ưu đãi nhất

Ngày 19-4, trả lời câu hỏi của một số phóng viên liên quan đến tình hình ở một vài địa phương tại Tây Nguyên vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: Trong mấy ngày qua, một số tổ chức nước ngoài như Quỹ Người Thượng (Montagnard Foundation), Đảng Cấp tiến liên quốc gia (Transnational Radical Party) đã làm rùm beng về cái gọi là "những cuộc biểu tình của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên phản đối đàn áp tôn giáo và tịch thu đất đai". Họ rêu rao là "Chính quyền Việt Nam đã đàn áp những người biểu tình", thậm chí còn bịa đặt trắng trợn là 400 người bị cắt cổ, bị vứt xác xuống sông, hoặc cụ thể hơn nói có "người biểu tình đã bị đánh đến chết ở đường Phan Chu Trinh, ngoại ô Buôn Ma Thuột…". Chúng tôi cực lực bác bỏ. Phải nói rằng không ai lạ gì thủ đoạn thâm độc của một số thế lực thù địch với Việt Nam là tung ra những thông tin kích động, bịa đặt, thổi phồng, bóp méo sự thật nhằm chia rẽ cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bôi nhọ uy tín và hình ảnh của Việt Nam, cản trở sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Sự thật là trong hai ngày 10 và 11-4-2004, tại một vài địa phương thuộc các tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, một số phần tử quá khích, với sự xúi giục, chỉ đạo từ bên ngoài, đặc biệt là của Quỹ Người Thượng do Ksor Kok đứng đầu, đã kích động, lừa mị và ép buộc người dân biểu tình. Ngay từ ngày 9-4, cái gọi là "Quỹ Người Thượng" ở Mỹ đã ra thông báo ngày 10-4 sẽ có biểu tình của khoảng 150.000 người ở Tây Nguyên. Thậm chí, Quỹ Người Thượng không ngần ngại thừa nhận đã có liên quan tới cuộc biểu tình tại Tây Nguyên vừa qua. Bọn tổ chức biểu tình đã phao tin có máy bay của Liên Hợp Quốc đón dân đi nước ngoài, có nơi chúng còn dùng tiền mua chuộc người dân biểu tình, dọa ai không đi sẽ bị chúng ghi sổ đen để trừng trị.

Những kẻ quá khích đã có hành động gây rối trật tự công cộng, dùng hung khí đánh bị thương, thậm chí trọng thương người thi hành công vụ, phá hoại công trình phúc lợi công cộng và tài sản ở một số xã. Nghiêm trọng hơn, những kẻ quá khích đã liều lĩnh tấn công trụ sở chính quyền ở một vài xã, bắt cán bộ địa phương, trương khẩu hiệu đòi thành lập "Nhà nước Đề ga". Rõ ràng, đây là hoạt động nhằm gây rối trật tự công cộng, chia rẽ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trước sự tấn công hung hãn của những kẻ quá khích, các lực lượng bảo vệ pháp luật và nhân dân buộc phải có hành động tự vệ, như vậy xô xát là không thể tránh khỏi, một số người đã bị thương và đã được đưa đến cơ sở y tế để chữa trị.

Hành vi của những phần tử quá khích này rõ ràng có sự xúi giục, kích động từ nước ngoài, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Những hành động như vậy là không thể tha thứ được ở bất kỳ quốc gia nào.

Chính quyền địa phương đã có những biện pháp ổn định tình hình. Sau khi được chính quyền tiếp xúc, giải thích, những người dân bị chúng lừa phỉnh đã được chính quyền hỗ trợ phương tiện trở về nhà. Chính quyền địa phương chỉ tạm giữ một số kẻ chủ mưu, cầm đầu, những kẻ có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Hiện tại mọi mặt sinh hoạt tại các địa phương nói trên vẫn bình thường. Khách nước ngoài vẫn thực hiện các chuyến du lịch thăm Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, dư luận một số nước có nói tới vấn đề tranh chấp đất đai. Thực sự, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ở chỗ này, chỗ khác có sự tranh chấp đất đai. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Luật Đất đai, trên cơ sở đó các địa phương đang tích cực xử lý thỏa đáng, bảo đảm đủ đất canh tác, đất ở cho dân. Công việc này đặc biệt được quan tâm ở các tỉnh Tây Nguyên.

Nhân đây, tôi xin khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của mọi tầng lớp nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, và chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa với mục tiêu nâng cao nhanh chóng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Trong thời gian qua, chương trình này đang thu được kết quả tốt đẹp. Hệ thống cơ sở vật chất miền núi, vùng cao được hình thành và cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Nhiều vùng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước phát triển tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế- xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên được bảo đảm. Các chương trình kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số đang được triển khai tích cực.

Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và được tôn trọng trên thực tế. Hoàn toàn không có cái gọi là "đàn áp người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành". Ngược lại, những người dân theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã được tạo điều kiện thuận lợi để sinh hoạt tôn giáo. Toàn Tây Nguyên đã có 25 Chi hội tin Lành cơ sở. Một minh chứng mới nhất là ngày 13-4, Chi hội Tin Lành Pây Rơ Ngol A Ma Rơn đã ra mắt tại xã A Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.

. VOV news

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội hóa trang đầu tiên tại Việt Nam   (19/04/2004)
Lễ hội hóa trang đầu tiên tại Việt Nam   (19/04/2004)
Thủ tướng Tây Ban Nha ra lệnh rút quân khỏi Iraq   (19/04/2004)
Khai trương tuyến du lịch đến Trường Sa   (19/04/2004)
Bầu cử là yếu tố quan trọng để tăng cường khối đại đoàn kết   (19/04/2004)
Bầu cử sớm ở Trường Sa  (19/04/2004)
Nổ lớn tại ký túc xá Việt Nam Xalút 2 - Matxcơva  (19/04/2004)
Hàng chục ngàn người tham dự lễ tang thủ lĩnh Hồi giáo Hamas  (19/04/2004)
Ba nhân viên của LHQ bị giết trong một cuộc đọ súng ở phía Bắc Kosovo  (19/04/2004)
Đảng yếu hơn đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Slovak  (19/04/2004)
Israel lại phóng tên lửa giết chết thủ lĩnh Hamas  (19/04/2004)
Gia Lai: Những kẻ kích động gây rối thú tội trước dân làng  (19/04/2004)
Phá vỡ một âm mưu đánh bom ở Hungary   (16/04/2004)
Một người Việt Nam ở Mỹ có tài sản trị giá gần 1,7 tỷ USD   (16/04/2004)
Ảrập giận dữ, EU lo ngại chính sách Trung Đông của Mỹ   (16/04/2004)