Liên minh hành động tiêu dùng, công nghiệp và thương mại Mỹ (CITAC) ngày 14-5 đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Bộ Thương mại Mỹ có ý định thay đổi quy trình hiện hành trong việc điều tra các công ty bị cáo buộc "bán phá giá" sản phẩm vào thị trường Mỹ ở các nước bị coi là không có nền kinh tế thị trường.
CITAC cho rằng sự thay đổi này có thể dẫn tới mức thuế chống bán phá giá cao hơn đối với tôm, đồ gỗ gia dụng và các sản phẩm khác đang được nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia bị điều tra.
Theo quy định hiện nay, các công ty ở các nền kinh tế bị coi không phải là kinh tế thị trường thường phải chịu mức thuế chống phá giá cao hơn, trừ phi các công ty này chứng minh được rằng họ không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Tất cả các công ty, dù lớn hay nhỏ, đều được quyền chứng minh tính độc lập trong kinh doanh của mình. Trong mỗi cuộc điều tra bán phá giá, Bộ Thương mại Mỹ thường chọn ra một số công ty nhất định được xếp trong "Nhóm trả lời hạng A" để giải trình tính độc lập trong kinh doanh của mình. Dựa trên kết quả điều tra, các công ty này sẽ được hưởng mức thuế chống phá giá khác nhau. Những công ty không được Bộ Thương mại Mỹ chọn vào "Nhóm trả lời hạng A" vẫn có thể tự nguyện trả lời bảng câu hỏi của Bộ Thương mại và có thể được điều tra để được hưởng mức thuế chống phá giá riêng. Những công ty không được điều tra, sản phẩm của họ phải chịu mức thuế chống phá giá cao nhất áp dụng cho nước đó.
Trong vụ kiện "bán phá giá tôm", gần 40 công ty của Việt Nam cũng đã đề nghị được điều tra như "Nhóm trả lời hạng A". Tuy nhiên, nếu theo quy định sửa đổi mà Bộ Thương mại Mỹ kiến nghị thì các công ty này sẽ gặp rất nhiều trở ngại để có thể được điều tra riêng rẽ và thủ tục để có thể khiếu kiện phải mất nhiều năm.
Bộ Thương mại Mỹ đã đề ra thời hạn chót vào ngày 1-6 tới để tiếp nhận phản hồi về kiến nghị thay đổi mà bộ này vừa đưa ra.
. TTXVN |