Ngày 24-5, Mỹ yêu cầu LHQ ủng hộ dự thảo chuyển giao quyền lực cho chính quyền lâm thời Iraq. Theo đó, dự thảo (do Mỹ-Anh soạn thảo) sẽ ủng hộ việc thành lập một "chính quyền lâm thời" hoạt động vào 30-6. Bản dự thảo cho biết, chính phủ mới sẽ có toàn quyền và nghĩa vụ để điều hành đất nước Iraq và dự thảo đề xuất 5 bước nhằm giúp Iraq đạt được tự do, dân chủ, bao gồm:
- Chuyển giao quyền lực cho chính phủ lâm thời vào 30-6;
- Thiết lập ổn định, an toàn tại Iraq;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng;
- Kêu gọi sự ủng hộ quốc tế;
- Tiến hành một cuộc bầu cử tự do, bình đẳng trên toàn quốc.
Trong phần chuyển giao quyền lực, toàn quyền LHQ tại Iraq, ông Lakhdar Brahimi, có trách nhiệm kết cấu bộ máy cầm quyền đương thời bằng việc đề xuất 1 tổng thống, 1 thủ tướng, 2 phó thủ tướng và 26 bộ trưởng. Những người này sẽ tạm thời làm việc ở những cương vị trên cho đến khi có cuộc bầu cử chính thức dự kiến vào tháng 1-2005.
Tuy nhiên, Pháp, Đức và một số nước đã chỉ trích một đề xuất trong dự thảo, rằng "liên minh đa quốc gia do Mỹ cầm đầu có quyền áp dụng các phương pháp cần thiết để duy trì an ninh và ổn định" và yêu cầu phải bàn luận thêm về việc này.
Chỉ vài giờ sau, Tổng thống Bush xuất hiện trên truyền hình và cố thuyết phục dân Mỹ ủng hộ kế hoạch về Iraq của mình. Trong bài phát biểu, ông cho biết đang cố gắng để xoay chuyển tình trạng an ninh tồi tệ tại Iraq. Trên thực tế, trước sự leo thang bạo lực tại Iraq và những vụ xì căng đan quanh việc hạ nhục tù binh Iraq đã đẩy tỉ lệ người ủng hộ Tổng thống Bush đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tổng thống Bush cho biết sẽ có khoảng 138.000 quân Mỹ ở lại Iraq dưới sự chỉ huy của một vị tướng để thực hiện những nhiệm vụ tái thiết.
. Ngọc Tú (theo Reuters)
|