Viện Khí tượng Thủy văn đang tiến hành nghiên cứu làm mưa nhân tạo và dự kiến đến năm 2006 sẽ có báo cáo về phương án làm mưa nhân tạo, nhằm góp phần chống hạn và chống cháy rừng.
Các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới đã làm mưa nhân tạo từ những năm 1960. Theo tính toán, lợi ích kinh tế thu được gấp 20 lần chi phí tạo mưa.
Tại Hội thảo "Cơ sở khoa học và phương pháp làm mưa nhân tạo, kinh nghiệm trên thế giới và khả năng thực hiện tại Việt Nam", do Viện Khí tượng Thủy văn tổ chức ngày 24-5, Giáo sư Norihiko Fukuta, khoa Khí tượng Đại học Tổng hợp Utah, Mỹ, cho biết ông và các cộng sự đã phát minh ra phương pháp mới Lolepshin, tăng lượng mưa bằng cách phun băng khô đều vào chân các đám mây tích và mây tầng.
Việt Nam từng thử nghiệm làm mưa nhân tạo vào năm 1959, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, khởi động đề án làm mưa nhân tạo vào năm 1998, và ký biên bản thỏa thuận chính thức với Nga về đề án này vào năm 2000.
Phía Nga đã chuyển giao tài liệu, công nghệ, dự toán kinh phí và đảm bảo đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong vòng 5- 6 năm, nhưng tiến độ triển khai dự án về phía Việt Nam còn chậm.
. TTXVN
|