Sau khi ông Ghazi Yawer được chỉ định làm Tổng thống Iraq và chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức ngày 1-6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan hoan nghênh sự kiện này đánh dấu một bước khởi đầu mới ở nước này, song cho rằng điều đó không có nghĩa là tình hình an ninh ở Iraq có thể được cải thiện. Theo ông Annan, quá trình thành lập chính phủ ở Iraq còn nhiều vấn đề và chưa hoàn hảo.
Liên minh châu Âu (EU) cũng hoan nghênh sự ra đời của chính phủ lâm thời Iraq và hy vọng chính phủ này sẽ thành công trong việc lãnh đạo đất nước cho tới khi tiến hành các cuộc bầu cử công bằng và tự do vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các nước phản đối chiến tranh gồm Pháp, Đức và Nga vẫn chưa có phản ứng chính thức.
Tổng thống Mỹ W. Bush ngày 1-6 tuyên bố rằng việc thành lập chính phủ lâm thời Iraq "là một bước dài trên con đường tiến tới tự do và dân chủ của người Iraq". Mặc dù ông Bush khẳng định "Mỹ không can dự vào quá trình lựa chọn chính phủ của Iraq", song Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari thừa nhận rằng Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn đối với Iraq và thực tế là Mỹ vẫn đang điều hành Iraq.
Các chuyên gia chính trị Iraq cũng tỏ thái độ không mấy lạc quan về chính phủ mới vì cho rằng Mỹ đã thao túng việc lựa chọn thành phần chính phủ. Bằng chứng là các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ mới đều có mối quan hệ khá thân thiết với Mỹ và đều trở về Iraq sau khi chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ. Tân Tổng thống Ghazi Yawer sống ở A-rập Xê-út 15 năm, Phó Tổng thống Ibrahim Jaafari di tản năm 1980, còn Thủ tướng Iyad Allawi cũng có tới 30 năm sống lưu vong. Theo lời ông Hu-xen Ha-phét An U-ca-li của Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại học Baghdad, không thể chấp nhận những người đến cùng với lực lượng chiếm đóng.
Theo phóng viên TTXVN tại Cai-rô, sau khi chính phủ lâm thời Iraq được thành lập, bạo lực lại bùng phát tại nhiều nơi ở nước này làm gần 40 người thiệt mạng.
. TTXVN |