Ngày 9-6, tại Georgia đã diễn ra ngày họp đầu tiên các nước G8 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Ý, Nhật và Nga. Ngoài ra, đại diện của khối EU, tân thủ tướng Iraq và lãnh đạo một số nước Hồi giáo cũng được mời tham dự.
Nội dung chính của cuộc họp lần này xoay quanh những vấn đề sau: Tình hình Trung Đông, giá dầu mỏ, giảm nợ cho các nước nghèo, tình hình kinh tế toàn cầu, thương mại quốc tế.
Về tình hình Trung Đông, cụ thể là vấn đề chuyển giao quyền lực tại Iraq sắp xảy ra, tổng thống Mỹ George Bush, cho rằng NATO nên có vai trò lớn hơn tại Iraq. Tổng thống Pháp, ông Chirac, ngay lập tức có phản ứng: "Tôi không nghĩ NATO nên can thiệp sâu vào tình hình Iraq".
Cho đến thời điểm này, Pháp, Nga và Đức vẫn phản đối chiến tranh Iraq và từ chối không góp quân, còn Canada đã không tham gia vào việc này.
Được Mỹ mời đến dự họp, tân thủ tướng Iraq, ông Al-Yawar và các nhà lãnh đạo Trung đông đưa ra bàn luận việc cải tổ chính trị trong vùng do Mỹ đề xuất. Ông Yawar cho biết: "Người dân Iraq muốn tiến đến sự dân chủ". Ông cũng ghi nhận những đóng góp của liên quân trong thời gian qua và bày tỏ mong muốn xây dựng Iraq thành một đất nước chủ quyền, độc lập và dân chủ.
Tuy nhiên, đề xuất của Mỹ đã gặp phải sự phản đối của Ả rập Xê út và Ai Cập khi họ từ chối không tham gia cuộc họp vì cho rằng ông Bush "không tin tưởng vào các nước Hồi giáo". Một số nhà quan sát phát biểu Mỹ nên giải quyết mâu thuẫn giữa Israel-Palestin trước khi bàn đến việc cải tổ dân chủ giữa các nước Ả rập.
Một vấn đề khác được bàn thảo trong ngày đầu tiên là tình hình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran. G8 kêu gọi CHDCND Triều Tiên hãy chấp nhận đàm phán 6 bên và dở bỏ các chương trình liên quan đến vũ khí hạt nhân. Còn về Iran, có nghi ngờ nước này đang phát triển chương trình hạt nhân và đang cố che giấu việc này.
Cuộc họp sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.
. Ngọc Tú (theo CNN, Reuters) |