Ngày 15-6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XI sẽ bế mạc sau một tháng làm việc. Trước khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đọc diễn văn bế mạc kỳ họp, đại biểu QH vẫn tiếp tục chương trình làm việc.
Chương trình làm việc trong ngày cuối cùng của kỳ họp là: thảo luận, góp ý cho dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng; thông qua 3 nghị quyết lớn: Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2002, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất năm 2005. Dự kiến, nghị quyết về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và nghị quyết kỳ họp cũng sẽ được thông qua.
Trong phiên họp ngày 14-6, QH đã thảo luận về dự án Luật An ninh quốc gia và dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Những năm gần đây, các vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng vẫn rất nghiêm trọng. Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 527 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 3.000 ha, tăng 22% về số diện tích cháy so với cùng kỳ năm 2002. Từ tháng 5-2003 đến hết tháng 4-2004 có tới 46.848 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 410 vụ phải khởi tố hình sự.
Nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật chưa làm rõ về chính sách đối với người dân bảo vệ rừng. Hiện nay, mức hỗ trợ người trồng rừng 50.000 đồng/ha/tháng (thực tế chỉ được 30.000 - 40.000 đồng/ha) là không đảm bảo đời sống cho dân trồng rừng. Các đại biểu nhất trí với việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, đề nghị thành lập các lực lượng kiểm lâm liên tỉnh, liên huyện không nhận được sự nhất trí cao vì để bảo vệ rừng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm lâm và các lực lượng khác tại địa phương; nếu thành lập kiểm lâm liên huyện, liên tỉnh thì chưa rõ sự phối hợp này.
. Thanh Niên
|