Theo ông Tô Ngọc Vân, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam, đến đầu tháng 9, Việt Nam sẽ gửi hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận cồng, chiêng là "Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại".
Đây là lần thứ ba Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận một loại hình văn hóa dân gian là Di sản Thế giới. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại".
Hiện nay việc lập hồ sơ đề cử văn hóa cồng, chiêng đang được thực hiện tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, còn chiêng không có núm. Hai loại nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm và có loại cực đại tới 120cm. Cồng, chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi có tới 18-20 chiếc.
Cồng, chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có dân tộc còn áp dụng kỹ thuật chặt tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng. Ở một số dân tộc như Mường, Êđê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, M’Nông, cồng, chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm.
Theo các nhà văn hóa dân gian, tất cả các dân tộc Tây Nguyên đều có cồng, chiêng, họ sử dụng để làm phương tiện giao lưu với các thần linh trong các dịp lễ hội, lễ nghi. Không ai xác định được niên đại của cồng, chiêng Tây Nguyên, chỉ biết rằng nó tồn tại song hành với đời sống nhân dân các dân tộc này từ lâu.
Tiếng cồng, chiêng được vang lên trong các dịp lễ hội như đặt tên, lấy vợ lấy chồng, làm nhà, mừng lúa mới, cúng trời đất, lửa nước, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... Mỗi một dàn cồng, chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Tây Nguyên, để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
. TTXVN |