Ngay sau lời cảnh báo của tổ chức Unicef và các tổ chức hoạt động vì quyền lợi trẻ em, về khả năng lợi dụng hoảng loạn sau thảm họa sóng thần để buôn bán trẻ em ra nước ngoài làm nô lệ hoặc bán cho các nhà chứa, các nước châu Á đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Indonesia đã ban hành lệnh cấm thanh thiếu niên rời khỏi đất nước. Lực lượng cảnh sát ra sức tìm kiếm bọn tội phạm và đưa lực lượng đến bảo vệ tại các trại tị nạn.
Phó tổng thống Indonesia, ông Yusuf Kalla ngày 5-1 cũng đưa ra quy định mới về việc nhận con nuôi; theo đó, mọi thành phần trong xã hội chỉ được phép bảo trợ các em nhỏ mồ côi bằng việc cung cấp tài chính, và các em vẫn được sự quan tâm của nhà nước. Chính phủ Indonesia ước tính hiện có khoảng 35.000 trẻ em bị mồ côi, vô gia cư hoặc thất lạc bố mẹ tại Aceh.
Các quan chức Ấn Độ thì đang tiến hành thống kê số trẻ em bị thất lạc bố mẹ. Sri Lanka và Malaysia đang đề ra các biện pháp quan tâm đến các trẻ mồ côi nhiều hơn và thận trọng với quá trình nhận con nuôi.
Hôm nay, 6-1, một hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra tại Indonesia để thảo luận về thảm họa sóng thần, việc cứu trợ và tái thiết. Một lo ngại mới phát sinh là vấn đề tham nhũng số tiền viện trợ và tình trạng một số đồ viện trợ được mang bán lại gần đây cũng sẽ được nhắc đến trong hội nghị lần này.
. Ngọc Tú (theo AP) |