Hồi 21h30 ngày 7-1, một cơn động đất phát sinh từ vùng thị trấn Lạt (huyện miền núi Tân Kỳ, cách TP Vinh gần 120km) và di chuyển theo hướng từ rừng xuống biển, ảnh hưởng tới các huyện Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương và TP Vinh.
Sau khoảng 10 giây thì cơn động đất này chấm dứt. Theo lời kể của người dân tại thị trấn Lạt, đất rung mạnh, nhà cửa chao đảo, hất tung cả những cốc nước để trên bàn xuống đất. Dân chúng các huyện bị động đất chạy tán loạn ra đường vì sợ nhà sập. Hiện chưa có thiệt hại gì đáng kể.
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học - công nghệ VN) cho biết theo các thông tin từ trạm quan trắc địa trấn tại Vinh (Nghệ An) báo về thì có thể trận động đất đã xảy ra trên một trong hai đứt gãy là đứt gãy Cửa Lò và đứt gãy sông Cả thuộc hệ thống đứt gãy sông Cả. Cường độ động đất ghi nhận được là 4,7 richter, tương đương với động đất trên mặt đất là cấp 6.
Trong lịch sử, trận động đất mạnh nhất ghi được trên hệ thống đứt gãy sông Cả là trận động đất mạnh 5,5 richter năm 1821 tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 1986, một trận động đất mạnh 5 richter đã xảy ra trên hệ thống đứt gãy sông Cả thuộc địa phận Lào làm chấn động các vùng Kỳ Sơn, Con Cuông của tỉnh Nghệ An. Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong thế kỷ 20 đã ghi được 3 - 4 trận động đất có cường độ 5,1 - 5,3 richter trên hệ thống đứt gãy sông Cả.
Về mối liên hệ giữa trận động đất tại Nghệ An với trận động đất tại đảo Sumatra (Indonesia) gây ra các đợt sóng thần khủng khiếp ngày 26-12-2004, ông Xuyên cho rằng chưa có cơ sở để kết luận nhưng cũng khẳng định một trận động đất mạnh như tại Sumatra có thể gây ra sự phân bố lại sức căng trong lòng Trái đất. Theo đó, khu vực nào có sức căng thay đổi theo hướng tăng lên sẽ phát sinh động đất.
. Theo Tuổi trẻ |