Nhằm tránh dịch bệnh sốt rét bùng phát tại các khu vực bị sóng thần tàn phá, các nhân viên y tế ở Banda Aceh, Indonesia bắt đầu từ hôm nay 14-1 sẽ đi đến từng nhà cũng như từng trại cứu nạn để phun thuốc diệt muỗi. Theo ước tính, nếu dịch bệnh bùng phát có thể làm thiệt mạng khoảng 100.000 người.
Khung cảnh hoang tàn sau thảm họa cộng với thời tiết mưa nhiều có thể tạo ra những điều kiện tốt để muỗi sinh sôi ở Indonesia, ông Richard Allan, giám đốc tổ chức Mentor Initiative, một tổ chức y tế cộng đồng chuyên đấu tranh chống dịch bệnh sốt rét cho biết. Ông này khẳng định, nước biển mặn được hòa với nước mưa sẽ trở thành nước lợ, môi trường ưa thích cho muỗi phát triển.
Cũng theo ông Allan, trong khi nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả và kiết lỵ có thể đã được giảm vì nước sạch đã đến được với người dân, thì nguy cơ bùng phát dịch sốt rét lại tăng cao. Nếu dịch sốt rét bùng phát, có thể sẽ có thêm 100.000 người nữa thiệt mạng trong khu vực. Cho đến nay, đã có tới 157.000 người ở tại 11 quốc gia thiệt mạng sau thảm họa sóng thần ngày 26-12.
Tổ chức Y tế thế giới hôm 13-1 cho hay đã phát hiện được 7 trường hợp sốt rét ở tỉnh Aceh, Indonesia. Các nhân viên y tế từ ngày hôm nay 14-1 sẽ đến từng nhà để phun thuốc diệt muỗi ở tất cả các khu vực lân cận Banda Aceh, nơi bị tàn phá nặng nề nhất sau thảm họa sóng thần. Khoảng 10 khu trại tị nạn trong khu vực cũng sẽ được phun thuốc diệt muỗi.
Hiện Chính quyền Indonesia đang yêu cầu những nhân viên cứu trợ nước ngoài phải đăng ký kế hoạch đi lại, và sẽ được các binh sĩ hộ tống khi đi ra khỏi thủ phủ Banda Aceh. Yêu cầu này được đưa ra do lo ngại các phiến quân ly khai có thể sẽ nổ súng nhằm vào các nhân viên cứu trợ hoặc bắt cóc họ. Trong khi đó, phát ngôn viên LHQ khẳng định cho đến nay đội cứu trợ chưa gặp phải sự vụ nào về vấn đề an ninh, và bày tỏ lo ngại việc hạn chế đi lại có thể làm ảnh hưởng đến công tác cứu trợ tại đây.
. VnMedia |